Ông Prak Nhorn không còn hy vọng vào vụ lúa năm nay.
“Khi tôi cấy, chúng chết hết. Muối vẫn còn trong đất,” theo lời ông Nhorn, một nông dân ở làng Slab Ta Aon, một khu định cư ven sông cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 150 km về phía tây nam và cách bờ biển ngập mặn của tỉnh Kampot 4 km.
Người nông dân này cho biết, nước mặn đã phá hủy cánh đồng lúa ở làng Slab Ta Aon trong hai năm qua. Ông Prak Nhorn, 55 tuổi, nghi rằng ông và dân làng không thể trồng lúa trong tương lai.
Khó khăn tại Slab Ta Aon không phải là may rủi về môi trường. Đó là điềm báo về một cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu đã diễn ra trong nhiều thập niên, làm mất ổn định hệ thống lương thực nuôi sống hàng triệu người.
Trên khắp thế giới, nước mặn ngày càng thấm sâu vào đất liền từ các bờ biển, làm đất đai và nước ngọt nhiễm mặn. Sự tác động qua lại phức tạp giữa khai thác nước ngầm, đắp đập thủy điện và khai thác lòng sông đang làm sụt lún các bờ biển khi biến đổi khí hậu nâng mực nước biển lên cao, hút nước biển vào sâu trong đất liền.
Các đồng bằng châu thổ đặc biệt dễ bị tổn thương. Đồng bằng hình rẻ quạt hình thành nơi các con sông đổ ra biển, các đồng bằng châu thổ thường có đất đai màu mỡ nhờ phù sa giàu dinh dưỡng từ thượng nguồn đổ về. Độ mặn ngày càng gia tăng khiến các vùng nông nghiệp đặc biệt này có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Mối đe dọa này có lẽ là nghiêm trọng nhất ở châu Á, nơi các “siêu châu thổ” đóng vai trò rất quan trọng để phát triển cây trồng chủ lực của lục địa này là lúa. Độ mặn cao có thể làm cho lúa không thể trồng được.
Ông Bjoern Ole Sander thuộc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) cho biết: “Bạn thực sự thấy một lớp rắn… một lớp trắng trên đất từ nơi có nước mặn. Cây lúa mọc ở đất mặn “trông giống như rơm rạ,” ông nói. “Nếu bạn chạm vào chúng, chúng sẽ rỗng. Không có gì.”
Lương thực, nguồn nước uống bị đe dọa
Ở Đông Nam Á, nước mặn đe dọa các cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng ở Việt Nam, đồng bằng sông Chao Phraya ở Thái Lan và sông Ayeyarwady ở Myanmar.
Ở Nam Á, nước mặn làm suy thoái đất và làm ô nhiễm nguồn nước uống ở Đồng bằng sông Hằng - Đồng bằng Brahmaputra đông dân cư của Bangladesh và Ấn Độ, và Đồng bằng Indus của Pakistan.
Đồng bằng sông Dương Tử của Trung Quốc cũng đối mặt với độ mặn gia tăng.
Ngoài châu Á, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng đến đồng bằng sông Nile ở Ai Cập và đồng bằng sông Mississippi ở Hoa Kỳ - cả hai khu vực nông nghiệp quan trọng.
Đối với những người nông dân tự cung tự cấp như Prak Nhorn, độ mặn tăng cao đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực và khả năng tiếp cận nước uống. Khoảng 76% dân Campuchia sống ở các vùng nông thôn và nhiều người phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để kiếm thức ăn. Điều này khiến nhiều người trong số 17,2 triệu dân của đất nước này dễ bị tổn thương trước những thay đổi của môi trường. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Campuchia dao động khoảng 15%.
Ông Hak Mao, Giám đốc Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Môi trường Campuchia cho biết, nông dân Campuchia đã báo cáo về các vấn đề nhiễm mặn trong nhiều năm và “có nước mặn xâm nhập”. Nhưng “năng lực kỹ thuật hạn chế” có nghĩa là người ta vẫn chưa biết được mức độ thực sự của vấn đề ở Campuchia, ông nói.
Tuy nhiên, ở nước láng giềng Việt Nam, tổn thất do nước mặn xâm nhập đã rõ ràng trong nhiều thập niên.
“Nếu có nước ngọt, chúng tôi có thể trồng lúa quanh năm,” nông dân Khâu Văn Ngoan ở tỉnh Long An của Việt Nam cho biết. “Nếu không có, không thể trồng được gì.”
Hơn phân nửa lượng lúa của Việt Nam được trồng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ở đó, độ mặn đã “thực sự gia tăng”, nhà thủy văn học Gijs Simons của FutureWater, một công ty tư vấn sử dụng dữ liệu vệ tinh để đánh giá độ mặn của Ủy hội Sông Mekong (MCR), cho biết. Ông nói, diện tích bị nhiễm mặn nghiêm trọng khiến gần như không thể trồng lúa đã “tăng gấp đôi kể từ những năm 90 hoặc thậm chí gần gấp ba trong một số năm”.
Trước đây, nước mặn thấm sâu vào đất liền khoảng 30-50 km. Giờ đây, nó có thể vươn tới các khu vực cách bờ biển hơn 100 km, nhà thủy văn học Đoàn Văn Bình của Đại học Việt Đức, người nghiên cứu sự xâm nhập của nước mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết. Ông Andrew Wyatt, người giám sát dự án tại Đông Nam Á cho một tổ chức môi trường là Liên hiệp Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên, hay IUCN, nói một đợt xâm nhập mặn đặc biệt nghiêm trọng vào năm 2016 đã ảnh hưởng đến 270.000 ha lúa. Thiệt hại tổng cộng lên tới khoảng 455 triệu đô la, hay 1,5% thu nhập lúa hàng năm của Việt Nam.
Tôm thay lúa
Nhưng có thể nhìn thấy độ mặn gia tăng là một cơ hội hơn là một thảm họa.
Lúa không chịu được nước mặn, nhưng tôm có thể - và tôm bán được giá hơn lúa mà Việt Nam sản xuất để xuất khẩu sang các nước có thu nhập thấp và trung bình.
“Nuôi tôm nó trúng hơn lúa. Nuôi tôm nó có lợi hơn,” bà Đặng Thị Vích, một nông dân nuôi tôm ở tỉnh Bến Tre, cho biết.
Một số nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tận dụng lợi thế này khi độ mặn tăng cao, nuôi tôm thay lúa trong mùa khô khi điều kiện nhiễm mặn nặng nhất. Chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ sau đó đã triển khai các chương trình nhằm giúp nhiều nông dân áp dụng hệ thống luân canh tôm - lúa này.
Bà Vích nói: “Hồi xưa thì cấy lúa không à. Thì cũng mới mười mấy, hai mươi năm nay thì nó nổi lên nuôi tôm đó, rồi người ta mới ùn ùn người ta nuôi, chứ hồi xưa người ta cấy lúa không.”
Mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Vào năm 2018, 15% nông dân ở vùng đồng bằng này đã từ bỏ canh tác lúa để làm việc khác, thường là nuôi tôm, ông Bradford Mills, một nhà kinh tế tại Virginia Tech, người đã nghiên cứu việc chuyển đổi này, cho biết. Năm tiếp theo, 10% nữa ngừng trồng lúa. Ông Simons lưu ý rằng việc chuyển đổi từ ruộng lúa sang ao nuôi tôm có thể nhìn thấy trong dữ liệu vệ tinh của ông.
Các chuyên gia cho biết chính phủ Việt Nam có kế hoạch thu hẹp quy mô canh tác lúa và đa dạng hóa nền kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đồng nghĩa với việc tăng cường nuôi tôm và các nghề nuôi trồng thủy sản khác dọc theo bờ biển và trồng lúa “chất lượng cao” để xuất khẩu sang các nước giàu. Sự đa dạng hóa này “tương ứng với việc Việt Nam đang chuyển từ một quốc gia thu nhập thấp sang một quốc gia thu nhập trung bình thấp,” ông Wyatt nói.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại rằng việc thích ứng với độ mặn gia tăng ở Việt Nam đang phải trả giá bằng tổn thất xã hội, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Ông Bình nói: “Đối với quy mô cả nước, [nuôi tôm] có thể tốt. “Nhưng đối với [quy mô] địa phương, đối với cá nhân, tôi nghĩ rằng [nó] vẫn còn một số vấn đề.”
Nông dân tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Bé Liễu, nói bà đã thử nuôi tôm cách đây vài năm, “nhưng nuôi không có trúng, mình không có nuôi nữa. Mình bỏ vốn ra nuôi không có lời nhiều, không nuôi nữa.”
Chuyển đổi từ lúa sang nuôi tôm là rủi ro. Không phải ai cũng có đủ khả năng. Những người không thể - và những người không nhận được trợ giúp- không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán hoặc cho thuê đất của họ và di cư để tìm việc làm khác.
Cũng có bằng chứng cho thấy nuôi tôm không phải lúc nào cũng bền vững với môi trường. Mặc dù ông Wyatt lưu ý rằng luân canh tôm - lúa bền vững hơn so với chỉ canh tác lúa hoặc tôm cho các vùng đất ở cửa sông Mekong, nhưng nó không phải là giải pháp tốt ở mọi nơi mà nó đang được áp dụng. Nếu không có đủ dòng nước ngọt từ thượng nguồn, các ao nuôi tôm trong mùa khô có thể để lại muối trong đất, theo thời gian khiến lúa khó phát triển trong mùa mưa. Ao có thể bị mặn đến mức ngay cả tôm cũng không thể sống được.
Ông Phạm Văn Bảy, nông dân tỉnh Long An, cho biết: “Đất này ngập mặn nghĩa là chịu thất, đói thôi, chứ đâu có làm gì được đâu. Đâu có nuôi tôm được.” “Nó bị nước mặn thì đâu có làm gì được. Hễ ngọt thì ngọt, hễ mặn thì mặn còn hả nó lợ lợ là không có làm ăn gì được hết.”
Việc nuôi trồng thủy sản cũng có thể gây ô nhiễm nguồn nước, một vấn đề mà ông Bình cho rằng cần được quản lý để đảm bảo rằng nó luôn bền vững và có lãi cho tương lai.
Tuy nhiên, nếu những thách thức này có thể vượt qua, các nước giàu có thèm ăn tôm và gạo chất lượng cao thì có thể mang lại lợi ích cho nhiều nông dân và nền kinh tế Việt Nam nói chung, ông Bình và ông Wyatt nói.
‘Làm sao có gạo để ăn?’
Câu hỏi đặt ra, ông Sander nói, “dĩ nhiên là vậy thì sản xuất gạo ở đâu? Vì nhu cầu vẫn còn. Và tôm không thể thay thế cơm của mọi người”.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên toàn thế giới và hơn 90% xuất khẩu của Việt Nam đến từ Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Sander cho biết các quốc gia là “nhà nhập khẩu gạo lớn… cũng bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu và tác động của độ mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Ví dụ, Philippines nhập khẩu gần 80% lượng gạo từ Việt Nam.
Nhu cầu về gạo ngày càng tăng khi dân số thế giới ngày càng tăng. IRRI ước tính rằng sản lượng gạo trên toàn cầu cần phải tăng từ 1% đến 1,2% mỗi năm để giữ giá gạo ở mức thấp, đủ khả năng chi trả cho hàng tỷ người phụ thuộc vào ngũ cốc.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, ông Bình cho rằng việc thích ứng với độ mặn gia tăng bao gồm sự kết hợp của cơ sở hạ tầng đắt tiền để ngăn nước mặn - có thể đi kèm với các vấn đề môi trường riêng - và thay đổi cách sống và làm việc của người dân, như áp dụng hệ thống lúa-tôm. Các đồng bằng nông nghiệp khác cũng phải đối mặt với những lựa chọn tương tự.
Các quốc gia nhập khẩu nhiều gạo từ các vùng bị ảnh hưởng bởi độ mặn sẽ cần phải tìm các nguồn mới để đáp ứng nhu cầu gạo ngày càng tăng của mình, hoặc người tiêu dùng chỉ đơn giản là sẽ trả nhiều tiền hơn. Nhiều nông dân sẽ cần phải thích nghi. Và một số sẽ chỉ cần tìm cách tồn tại.
Bà Suos Sovann sống cách trang trại của ông Prak Nhorn ở làng Slab Ta Aon chỉ một đoạn ngắn. Bà là, hoặc từng là, một nông dân trồng lúa. Nước mặn hiện ngập tràn cánh đồng rộng 7.000 mét vuông của bà mỗi năm, khiến đất đai của bà trở nên bạc màu.
Không thể tự trồng lúa cho bản thân và gia đình, bà Suos Sovann hiện sống phụ thuộc vào tiền của hai người con làm việc trong một xưởng may gần đó. Tổng hợp lại, họ gửi cho bà khoảng 50 đô la mỗi tháng. Bà chi 30 đô la trong số đó để mua gạo.
Bà tự hỏi liệu các con có thể chu cấp nhiều hơn hay không, nhưng bà không dám hỏi. Bà nói không thể làm gì ngoài việc chịu đựng.
Bà Suos Sovann thắc mắc: “Nếu chúng tôi không làm nông, làm sao chúng tôi có gạo để ăn?”