Một dự án do Hoa Kỳ tài trợ sử dụng vệ tinh để theo dõi và công bố mực nước tại các đập của Trung Quốc trên sông Mekong vừa được khởi động hôm 14/12, làm tăng thêm tính cạnh tranh giữa các siêu cường trong khu vực Đông Nam Á, Reuters đưa tin.
Là tuyến đường thủy dài 4.350 km, sông Mekong (Trung Quốc gọi là Lan Thương) ảnh hưởng đến một loạt các quốc gia khi chảy xuống phía nam, qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Dòng sông hiện đang được xem là “mặt trận đối đầu” mới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bắc Kinh từng bác bỏ một nghiên cứu của Mỹ gần đây nói rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ nước lại và gây bất lợi cho các quốc gia hạ nguồn, nơi có đến 60 triệu người sống dựa vào dòng sông để đánh cá và canh tác.
Tin cho hay Cơ quan Giám sát Đập Mekong, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ một phần, sẽ sử dụng dữ liệu từ các vệ tinh xuyên qua đám mây để theo dõi mức độ của các đập ở Trung Quốc và các nước khác. Các thông tin sẽ được công bố cho tất cả mọi người gần như sát với thời gian thực tế.
Hãng tin Anh dẫn lời chuyên gia Brian Eyler, thuộc Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết: “Hệ thống giám sát cung cấp bằng chứng cho thấy 11 đập trên dòng chính của Trung Quốc được tổ chức và vận hành một cách tinh vi nhằm tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh phía đông của Trung Quốc mà không cần xem xét đến các tác động ở hạ lưu”.
Trước đây, Trung Quốc từng chỉ trích các nghiên cứu của Hoa Kỳ, trong đó có một nghiên cứu của Eyes on Earth, một phần của dự án Mekong Dam Monitor. Nghiên cứu này nói mguồn nước đã bị giữ lại bởi các con đập của Trung Quốc vào năm 2019, dẫn đến các nước khác bị hạn hán nghiêm trọng.
Hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra chỉ thị yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải có các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô nă 2020 – 2021 tại đồng bằng sông Cửu Long, theo Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam.
Chỉ thị này nói lượng mưa trên lưu vực sông Mekong thiếu hụt từ 30 - 40% so với trung bình nhiều năm, gây nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh tại Việt Nam ở mức “cao” đến “nghiêm trọng”.
Sau khi Hoa Kỳ công bố nghiên cứu, Viện Kỹ thuật Năng lượng Tái tạo Trung Quốc, do nhà nước hậu thuẫn, phản pháo trong một báo cáo vào ngày 4/12 rằng: “Hoa Kỳ đã không thể cung cấp bằng chứng xác đáng”.
“Những lợi ích tích cực của thủy điện thượng nguồn sông Lan Thương đối với các nước láng giềng ở hạ lưu sông Mekong là rõ ràng và hiển nhiên”, báo cáo của Trung Quốc nói, đồng thời thêm rằng nước được tích trữ trong các hồ chứa trong mùa lũ đã giúp ngăn ngừa lũ lụt và hạn hán ở hạ lưu.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã đồng ý chia sẻ dữ liệu về nước với Ủy ban sông Mekong (MRC) - cơ quan tư vấn cho Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam từ lâu đã tìm kiếm thông tin để có kế hoạch tốt hơn.
Ngoài “mặt trận” sông Mekong, Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang đối đầu với nhau trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại, vấn đề Hong Kong, Đài Loan cho đến tranh chấp Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền chồng lấn với các quốc gia láng giềng, bao gồm Việt Nam.
Hôm 14/4, chính phủ Mỹ công bố Quan hệ Đối tác Mekong – Hoa Kỳ với cam kết dành hơn 150 triệu USD cho các dự án hợp tác tại khu vực Mekong nhằm hỗ trợ cho các nước trong khu vực ứng phó với các thách thức.
Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực: Kết nối kinh tế, quản lý bền vững nguồn nước, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, an ninh phi truyền thống, và phát triển nguồn nhân lực.