3 tổ chức nhân quyền kêu gọi phóng thích tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ trong phiên xử tại một tòa án ở Hà Nội ngày 4/4/11

Tổ chức quan sát Bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền, cơ quan kết nối giữa hai tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, FIDH, có trụ sở ở Paris và Tổ chức Quốc tế chống Tra tấn, OMCT, có trụ sở tại Geneve cùng với Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam vừa gửi thỉnh nguyện thư tới giới lãnh đạo Việt Nam, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, và Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc kêu gọi trả tự do cho tiến sĩ Hà Vũ ngay lập tức và vô điều kiện.

Thỉnh nguyện thư chung của ba tổ chức vừa kể đề ngày 7/4 nói rằng bản án 7 năm tù dành cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là một trò chế nhạo công lý, có động cơ chính trị, và dựa trên những luật lệ sai trái thường được dùng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, một trong ba tổ chức ký tên trong thỉnh nguyện thư này, cho đài VOA biết thêm chi tiết:

“ Vụ án của ông Cù Huy Hà Vũ đã gây chấn động thế giới vì theo công luận quốc tế, đây là một vụ xử án phi pháp. Ông Hà Vũ không có tội gì cả, và ngay cả phiên tòa cũng phạm lỗi về tố tụng theo Bộ luật tố tụng hình sự, điều 241. Vì vậy, ba tổ chức ở Châu Âu là Tổ chức quan sát Bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền gồm Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền và Tổ chức Quốc tế chống Tra tấn cùng với Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam đã ký một lá thư chung để báo động về tình trạng phi pháp trong vụ xử ông Cù Huy Hà Vũ hôm 4/4 tại Hà Nội.

Các tổ chức này đều trực thuộc Liên hiệp quốc, làm việc tại Geneva và Paris. Dĩ nhiên, việc lên tiếng này một lần nữa nói lên sự phi pháp trong một phiên tòa rất khôi hài, và Hà Nội đã vi phạm tất cả những luật pháp của chính nhà nước trong vụ xử ông Hà Vũ.”

Lá thư cũng nêu rõ vụ án Cù Huy Hà Vũ là một ví dụ nữa cho thấy tình trạng đàn áp, vi phạm các quyền căn bản của con người vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam và đi ngược lại với những cam kết của chính quyền Hà Nội với quốc tế khi tự nguyện tham gia ký kết vào Công ước quốc tế của Liên hiệp quốc về Nhân quyền.

Nguồn: OMCT Press Release