Hoa Kỳ nhấn mạnh đến việc Trung Quốc, Kampuchia, Miến Điện và Việt Nam là những quốc gia châu Á có thành tích nhân quyền u ám nhất trong năm 2010.
Trong phúc trình hàng năm về nhân quyền của Bộ Ngoại giao, Hoa Kỳ nhắc đến những nỗ lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong việc hạn chế tự do ngôn luận và làm im lặng những tiếng nói độc lập chính trị.
Phúc trình cũng ghi nhận việc Miến Điện vẫn giam giữ những nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ, sự tàn bạo gây chết người của lực lượng an ninh Kampuchia và việc Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến và tự do báo chí.
Phúc trình cũng nói việc đánh giá của họ về Bắc Triều Tiên bị ảnh hưởng bởi sự thiếu những nguồn tin độc lập nhưng ghi nhận là Bình Nhưỡng tiếp tục bắt người tùy tiện, gồm cả những người bị nghi ngờ phạm tội chính trị.
Một ngoại lệ tích cực trong danh sách là Indonesia vì phúc trình Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy việc tôn trọng nhân quyền được cải thiện tại nước này.
Tại Trung Quốc, chính phủ càng ngày càng nhắm vào những luật sư, các nhà hoạt động, các blogger và nhà báo, cùng lúc với chuyện hạn chế Internet. Phúc trình nói nhà cầm quyền gia tăng biện pháp đưa đi mất tích, giam giữ tại gia và cầm giữ tùy tiện. Trung Quốc cũng tiếp tục đàn áp văn hóa và truyền thống của những người Tây Tạng và những người ở phía tây.
Tại Miến Điện, quân đội tiếp tục hãm hiếp và tra tấn thường dân tại những vùng của người sắc tộc thiểu số trong khi chính phủ vẫn kiểm soát chặt chẽ các nhà sư Phật giáo. Phúc trình cũng nhận thấy Miến Điện vẫn còn tuyển mộ lính trẻ em và buôn người.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ những nhà hoạt động chính trị xuyên qua một hệ thống tư pháp bị ảnh hưởng chính trị và tham nhũng. Việt Nam còn hạn chế tự do Internet.
Theo phúc trình này, lực lượng an ninh Kampuchia giết người mà không bị trừng phạt. Các nhà quan sát nhân quyền trong nước cũng nêu lên những trường hợp bắt giữ tùy tiện, gia hạn thời gian giam giữ trước khi xét xử và bóc lột trẻ em trong lực lượng lao động.
Nghiên cứu hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ bao gồm tình trạng nhân quyền của 194 quốc gia trên thế giới.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1