Từ “Souvenir” - vật kỷ niệm - xuất phát từ một chữ Latin có nghĩ là ghi vào trí óc. Kỷ vật thường là những vật nhỏ hay đồ nữ trang rẻ tiền, nhắc nhở mọi người những gì đã trải qua.
Tuy nhiên vật kỷ niệm cũng đã trở thành một thương vụ chính, và tại Thế Vận Hội mùa Đông 2010, vật kỷ niệm hầu như cũng đòi hỏi chiến lược và kiên nhẫn tương tự như việc đoạt một huy chương vậy.
Bên ngoài cửa hàng của công ty Hudson's Bay tại trung tâm Vancouver, một dòng người nối dài dọc theo cả một khu phố.
Một cửa kính khổng lồ trưng bày nhiều người nộm mặc áo sơ-mi và các loại quần thể thao, mũ trùm đầu, khăn quàng cổ, mũ và găng tay, có ghi là hàng chính thức của Canada.
Nơi đầu hàng dài người đứng sắp hàng là một người mặc áo khoác dày, biểu tượng của Thế Vận Hội Vancouver, anh là nhân viên của cửa hàng, đứng chào khách và cám ơn sự chờ đợi của họ.
Một trong những người chiếm hàng đầu là Riley Hunter. Anh cho biết hàng người ở đây di chuyển nhanh chóng:
Anh Hunter cho biết: “Tôi xếp hàng ở đây chỉ độ có 10 phút. Ở đây bán nhiều quà lưu niệm biểu tượng chính thức của Canada. Tôi chưa biết phải mua gì, chỉ biết chắc là tốn khá nhiều tiền. Tôi đoán như vậy”
Anh Gunter không nói đùa. Một vài món hàng được ưa chuộng nhất được bày bán tại cửa hàng của Hudson's Bay gồm có áo phông dài tay giá 44 đô la một chiếc. Áo jacket có mũ len giá 50 đô la, và đắt nhất là áo đồng phục của đội tuyển Khúc côn cầu Canada tại Vancouver giá 400 đô la.
Xa hơn một chút trong đoàn người sắp hàng là cô Erica Harrison cư ngụ tại thành phố Calgary, tỉnh bang Alberta của Canada. Cô Harrison là một thiếu nữ khoảng độ 20 tuổi, vui vẻ hoạt bác. Cô nói là cô rất là khích động khi thấy Thế Vận Hội được tổ chức tại Canada và cô muốn có được một kỷ niệm về kỳ thế vận này.
Cô Harrison nói: “Có một cái áo jacket hợp thời trang và tôi sẽ mua một đôi găng tay dày cho em tôi. Tôi rất thích thú.”
Đôi găng tay cô Harrison nhắc đến là loại găng kỷ niệm rất đặc biệt màu đỏ mà đoàn vận động viên Canada mang trong buổi lễ khai mạc Thế Vận Hội vào ngày 12 tháng 2 vừa qua. Đôi găng tay này ở phía lòng bàn tay có in hình lá phong của Canada, nhưng là màu trắng, thay vì màu đỏ giống như lá cờ của Canada.
Trong số người xếp hàng có cô Stephanie Tarasoff cũng mang một đôi găng, và mẹ của cô, bà Cathy cũng mang đôi găng loại này. Cô Stephanie cho biết là cô mua loại găng tay này tại thành phố Victoria, tỉnh bang British Columbia trước khi Thế Vận Hội bắt đầu:
Cô Tarasoff nói: “Thật là thích khi mang những đôi găng này như mọi người vì chứng tỏ có sự hợp nhất, sự hợp nhất của Canada. Vào lễ Giáng Sinh mua loại găng này không khó như bây giờ.”
Xa hơn nữa trên đường Granville là cửa hàng Granville Sport Corner, một cửa hàng nhỏ với ánh sáng được vặn nhỏ lại. Cửa hàng này chất đống từ sàn nhà cho đến trần nhà đủ loại áo quần, vật dụng của nhiều đội, không những chỉ có đội Canada mà còn thuộc nhiều đội khác nữa như Thụy Sĩ, Đức, Cộng hòa Czech, Hoa Kỳ và Phần Lan.
Ông Mike Jackson, quản lý cửa hàng cho biết Thế Vận Hội thật là tốt cho việc buôn bán.
Ông Jackson nói: “Hiện nay tôi bán rất chạy tất cả mọi thứ có liên quan đến quốc gia. Chẳng hạn như những vật dụng của các nước Phần Lan và Hoa Kỳ, tôi phải chất lại hàng mới đến 3 lần. Của Nga bán cũng khá, đồ của Latvia cũng bán hết, đồ của Thụy Sĩ, Cộng hòa Czech, Thụy Điển thì sắp hết. Và hầu hết các loại tôi không thể đặt hàng thêm được nữa.”
Ông Jackson cho biết thêm là trong vài ba ngày đầu của Thế Vận Hội, ông bán được gần như gấp 3 lần số hàng hóa bán trong dịp lễ Giáng Sinh. Việc buôn bán thật là quá tốt và ông hy vọng Thế Vận Hội sẽ đến với Vancouver 8 năm một lần.
Những loại trang bị mà các đội sử dụng không phải là những kỷ vật duy nhất được bày bán tại Vancouver. Còn có biểu tượng chính thức của Thế Vận Hội bao gồm người Tuyết có tên là Quatchi và 3 hình tượng khác của thổ dân Canada.
Các món quà lưu niệm khác gồm có mũ, khăn quàng cổ, hình ảnh có nam châm, bàn di chuột của máy vi tính, mền v.v...
Khách đi xem Olympic ai cũng mua ít nhiều để làm kỷ niệm cho một kinh nghiệm khó quên trong đời.
Cùng với việc sản xuất quà, đồ chơi, và kỷ vật mang lại lợi tức hàng tỉ đô la mỗi năm, các cửa hàng bán quà kỷ niệm của Olympic mang lại một ý nghĩa mới cho cụm từ “hãy giành lấy huy chương vàng”.
Tại trung tâm thành phố Vancouver, một trong những địa điểm thu hút du khách không phải là nơi tranh tài Thế vận mà là một cửa hàng.