Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết ông sẽ làm mọi thứ có thể để làm việc với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) mới do Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại tình trạng nghèo túng.
Washington phản đối ngân hàng mới này, nhưng hàng chục quốc gia khác đã ủng hộ. Trong bài diễn văn tại Washington hôm thứ Ba, ông Kim kêu gọi ngân hàng mới tuân thủ những tiêu chuẩn cao để giải quyết những vấn đề về môi trường và lao động.
Nhà lãnh đạo Ngân hàng Thế giới cho biết gần một tỉ người đang sống dưới mức 1,25 đôla một ngày. Dù đây là một tiến bộ lớn trong vài thập kỷ qua, vẫn còn "rất nhiều việc cần làm" để giảm số người sống trong cảnh nghèo túng.
Ông cho biết chấm dứt nghèo túng sẽ cần hàng ngàn tỷ đôla, hợp tác từ khu vực tư, và tiếp tục những cải cách tại Ngân hàng Thế giới. Nhưng ông Kim cho biết nỗ lực cuối cùng phải "bắt đầu ngay bây giờ" vì nghèo túng có nghĩa là hàng triệu trẻ em không được tiếp cận chăm sóc y tế và giáo dục, và để bụng đói đi ngủ.
Ông phát biểu trước khi diễn ra cuộc họp của các quan chức hàng đầu của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần sau ở Washington, nơi mà họ sẽ tìm cách để giảm nghèo túng và cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Một nghiên cứu khác do IMF công bố hôm thứ Ba cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể gây thất vọng cho cả những nước phát triển và các nền kinh tế đang lên trong những năm tới.
Các tác giả cho biết tăng trưởng ở các nước giàu sẽ bị kìm hãm do dân số đang già đi và vốn đầu tư hồi phục chậm sau cuộc suy thoái vào năm 2007. Nghiên cứu này dự đoán rằng nền kinh tế của những nước phát triển "sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 1,6% trong trung hạn, tức là hơn một nửa điểm phần trăm chậm hơn so với trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Tổ chức cho vay toàn cầu nói rằng tăng trưởng cũng sẽ chậm lại đối với những nền kinh tế đang lên, vì dân số đang già đi hạn chế lực lượng lao động và đầu tư vẫn còn yếu.