Đường dẫn truy cập

Bất ngờ phút chót: Đài Loan muốn gia nhập Ngân hàng AIIB của TQ


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan khách tham dự buổi lễ ký kết của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 24/10/2014.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và quan khách tham dự buổi lễ ký kết của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu tại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 24/10/2014.

Hơn 40 nước đã ghi tên vào danh sách các nước muốn trở thành hội viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu, một định chế tài chánh nhiều tỉ đô la do Trung Quốc dẫn đầu, được gọi tắt là AIIB. Chỉ vài ngày trước thời hạn chót, liên bang Nga đã công khai bày tỏ ý định gia nhập, và trong một diễn tiến bất ngờ vào phút cuối, đối thủ chính trị của Trung Quốc là Đài Loan cho biết họ cũng muốn tham gia. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài VOA tường thuật.

Nỗ lực của Đài Loan để trở thành hội viên sáng lập của ngân hàng của Bắc Kinh được thực hiện tối thứ hai, một ngày trước thời hạn chót. Hiện chưa rõ Bắc Kinh có chấp nhận đơn xin gia nhập này hay không.

Thủ tướng Đài Loan Mao Trị Quốc nói rằng đơn xin gia nhập được gởi qua các kênh mà đôi bên lâu nay vẫn thường dùng để liên lạc với nhau.

Thủ tướng Mao nói rằng nếu có thể tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á Châu với một cung cách không phương hại tới phẩm giá quốc gia thì việc này phù hợp với quyền lợi quốc gia của Đài Loan.

Đài Loan không phải là một nước hội viên của Liên Hiệp Quốc hay của bất kỳ tổ chức nào giống AIIB, như Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á Châu.

Trung Quốc và Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng bang giao song phương đã được cải thiện rất nhiều kể từ khi ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng được bầu làm tổng thống vào năm 2008.

AIIB đòi hỏi hội viên phải có tư cách quốc gia trong lúc Bắc Kinh xem đảo quốc tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Đó là khó khăn thứ nhất. Nhưng vị tổng thống của Đài Loan còn gặp phải một vấn đề khó khăn hơn nữa là làm thế nào để tranh thủ sự ủng hộ của người dân trong nước đối với vấn đề này.

Tại Bắc Kinh, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư chính trị học của Đại học Nhân dân, cho biết việc này cũng chẳng phải là một việc dễ dàng đối với Trung Quốc.

"Theo quan điểm của Trung Quốc, việc này sẽ chứng tỏ thiện chí của họ đối với các mối quan hệ xuyên eo biển. Mặt khác, nếu họ phản đối sự gia nhập của Đài Loan thì điều đó sẽ làm cho họ bị mất đi một cơ hội để tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trên đảo Đài Loan."

Sự hấp dẫn chính yếu đối với những những nước muốn tham gia ngân hàng này là những cơ hội to lớn về kinh doanh ở Á Châu trong lãnh vực cơ sở hạ tầng. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển Á Châu, châu lục này mỗi năm cần chi tiêu 800 tỉ đô la cho các dự án xây dựng đường sá, hải cảng, nhà máy điện và những cơ sở hạ tầng khác.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết những nước muốn trở thành hội viên sáng lập bao gồm các nước ở Phi châu, Châu Âu, Nam Mỹ, Á Châu và vùng Thái Bình Dương. Hoa Kỳ và Nhật Bản hiện giờ chưa quyết định có tham gia hay không, nhưng nhiều nước đồng minh của họ ở Châu Âu và Á Châu đã gia nhập. Tokyo và Washington nói rằng họ quan tâm về vấn đề ngân hàng này sẽ được quản trị như thế nào và ngân hàng sẽ làm gì để bảo vệ cho môi trường và các phúc lợi xã hội.

Chỉ trong vòng vài tháng con số những nước muốn trở thành hội viên sáng lập đã tăng gần gấp đôi. Giáo sư Thời Ân Hoằng cho biết sự gia tăng nhanh chóng này đã vượt khỏi sự trông đợi của Trung Quốc và giúp cho Bắc Kinh giành được ưu thế trên trường ngoại giao. Mặc dầu vậy, ông cũng nói rằng việc này vừa có lợi vừa có hại.

"Sự gia nhập của các cường quốc Châu Âu cùng với Nam Triều Tiên và Australia sẽ làm cho vai trò lãnh đạo của Trung Quốc bị giảm đi rất nhiều."

Quyết định của Nga cũng có một tác động tương tự. Giáo sư Thời cho biết Moscow lâu nay vẫn có thái độ nghi ngại đối với Sáng kiến Con đường Tơ lụa của Trung Quốc và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Trung Á. Ông cho rằng sự tham gia của Nga vào ngân hàng AIIB có thể làm giảm bớt những sự nghi ngại đó, nhưng cũng mang lại một số rủi ro.

"Tôi không nghĩ rằng sự tham gia của Nga sẽ là một yếu tố tích cực cho sự vận hành của ngân hàng hay sự làm ra các luật lệ; bởi vì nước Nga, nói một cách tổng quát, là một con ngựa bất kham trong lãnh vực này."

Đối với Nga, gia nhập AIIB là một cơ hội tốt cho những hoạt động đầu tư và thương mại ở Á Châu trong lúc kinh tế của họ đang bị khốn đốn vì những biện pháp chế tài quốc tế vì vụ khủng hoảng Ukraine và vì giá dầu lửa bị tuột dốc.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG