Các nhà quan sát trong khu vực nhận định rằng việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông hiện tranh chấp với Nhật Bản có thể là một phép thử cho vấn đề biển Đông.
Báo chí Đài Loan mới đây trích lời các học giả nước này cho rằng Trung Quốc muốn dùng ADIZ để trắc nghiệm phản ứng của Mỹ cũng như các quốc gia khác hiện có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh.
Đài Loan hiện là một trong số gần 10 quốc gia có tuyên bố chủ quyền về các hòn đảo ở vùng biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là biển Đông.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 1/12 được trích lời nói rằng Bộ này không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thông báo thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên biển Đông.
Bộ này nhận định rằng mục đích của Trung Quốc là ‘thách thức cơ cấu an ninh khu vực bị Mỹ chi phối lâu nay’ cũng như ‘tạo cơ sở pháp lý trong trường hợp vụ tranh chấp ở biển Hoa Đông được mang ra phân xử’.
Nó sẽ gây thêm các bất ổn ở khu vực Đông Nam Á, khiến các nước có tranh chấp tức giận vì họ cho rằng đó là một sự vi phạm quyền tự do thực hiện các chuyến bay trên vùng trời đó.Giáo sư Carl Thayer nói.
Ông nói: “Nó sẽ đi ngược lại với mọi diễn biến ngoại giao tích cực mà chúng ta đã chứng kiến tại các cuộc họp của ASEAN hồi tháng Mười cũng như qua các chuyến thăm của Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc tới khu vực. Nó sẽ gây thêm các bất ổn ở khu vực Đông Nam Á, khiến các nước có tranh chấp tức giận vì họ cho rằng đó là một sự vi phạm quyền tự do thực hiện các chuyến bay trên vùng trời đó”.
Hành động đơn phương của Trung Quốc đã khiến Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden công du tới khu vực Đông Bắc Á để tìm cách hóa giải các căng thẳng giữa các nước liên quan.
Theo Giáo sư Carl Thayer, hành động của Mỹ thời gian qua liên quan tới ADIZ sẽ được các nước trong khu vực ‘âm thầm hoan nghênh’ vì Trung Quốc đã gợi ý rằng họ có quyền thiết lập các khu vực phòng không trên các vùng lãnh hải khác, trong đó có biển Đông’.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam này còn cho rằng nếu Bắc Kinh thiết lập một vùng như vậy trên vùng biển tranh chấp với Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác, nó sẽ có ảnh hưởng tới việc thực hiện các cuộc tuần tra quân sự của không quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.
Về khả năng Bắc Kinh sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển Đông, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng Trung Quốc gần đây đã có sự điều chỉnh sách lược về vùng biển này.
Tôi thấy chuyện này nó cũng là một trong những bước đi tất nhiên, những thủ đoạn, những bước đi tất nhiên của Trung Quốc thôi, cũng giống như vùng biên giới trên không với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Cái chính là âm mưu bá chiếm biển Đông của Trung Quốc thì bất biến.Ông Dương Danh Dy nói.
Ông Dy nói: “Tôi thấy chuyện này nó cũng là một trong những bước đi tất nhiên, những thủ đoạn, những bước đi tất nhiên của Trung Quốc thôi, cũng giống như vùng biên giới trên không với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Cái chính là âm mưu bá chiếm biển Đông của Trung Quốc thì bất biến”.
Ba ngày sau khi tuyên bố vùng phòng không hôm 23/11, Trung Quốc lần đầu tiên đã triển khai hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tới biển Đông để thực hiện các cuộc nghiên cứu và diễn tập.
Ông Dy cho rằng hiện chưa phải là lúc Trung Quốc muốn thực hiện những thay đổi lớn ở biển Đông dù thời gian qua có những bước đi khẳng định chủ quyền ở vùng biển tranh chấp với nhiều nước này.
Trong khi đó, báo chí Philippines hôm thứ tư đưa tin rằng Bộ Ngoại giao nước này đã phớt lờ một phát biểu của đại sứ Trung Quốc tại Manila về quyền thiết lập khu vực phòng thủ khác tại các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền.
Các nhà quan sát cho rằng tuyên bố đó ám chỉ tới vùng biển Đông mà Philippines tranh chấp với Bắc Kinh và Hà Nội cũng như một số nước khác.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez được trích lời nói rằng khả năng Trung Quốc thiết lập vùng ADIZ ở biển Đông là một tình huống giả tưởng không đáng để đưa ra bình luận.
Trước đó, ông Hernandez tuyên bố rằng khu vực nhận dạng phòng không mà Trung Quốc thiết lập trên vùng biển Hoa Đông ‘đe dọa an ninh quốc gia của các quốc gia bị tác động và biến toàn bộ vùng không phận thành không phận nội địa của Trung Quốc”.
Hiện Việt Nam vẫn chưa có phản ứng về hành động thiết lập vùng ADIZ trên biển Hoa Đông cũng như các hành động mới đây của Trung Quốc ở biển Đông.