Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland chỉ định hai công tố viên đặc nhiệm để điều tra độc lập cách thức mà cựu Tổng thống Cộng hòa Donald Trump và người kế nhiệm là Tổng thống Dân chủ Joe Biden xử lý các hồ sơ mật.
Ông Jack Smith, một công tố viên điều tra tội phạm chiến tranh, đang điều tra xem liệu ông Trump hoặc các cộng sự của ông có lưu trữ hồ sơ mật một cách trái phép tại tư dinh ở Florida sau khi ông rời nhiệm sở vào năm 2021 và liệu họ có tìm cách cản trở một cuộc điều tra liên bang hay không.
Ông Garland đã bổ nhiệm cựu chưởng lý Maryland thời ông Trump là Robert Hur để điều tra việc di chuyển và lưu giữ các hồ sơ mật từ thời ông Biden làm phó tổng thống và việc phát hiện chúng tại nhà riêng và văn phòng trước đây của ông Biden ở một tổ chức nghiên cứu.
Giữa hai trường hợp có gì giống nhau?
Cả ông Trump và ông Biden lẽ ra không nên sở hữu bất kỳ tài liệu mật nào. Trong giai đoạn chuyển tiếp của tổng thống, hồ sơ từ mỗi chính quyền lẽ ra phải được chuyển giao cho Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ lưu giữ hợp pháp.
Việc biết hoặc cố ý di chuyển hoặc giữ lại tài liệu mật là bất hợp pháp. Việc không lưu trữ và bảo mật đúng cách tài liệu mật có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia nếu nó rơi vào tay kẻ xấu.
Ông Biden cho biết ông rất ngạc nhiên khi biết mình sở hữu thông tin mật. Ông Trump đã nói trên mạng xã hội mà không cung cấp bằng chứng rằng ông đã giải mật các hồ sơ, mặc dù các luật sư của ông đã từ chối lặp lại khẳng định đó trong hồ sơ tòa án.
Các tài liệu được đề cập có từ thời ông Biden là phó tổng thống của Tổng thống Barack Obama từ năm 2009 đến năm 2017 và khi ông Trump là tổng thống từ năm 2017 đến năm 2021.
Hai trường hợp khác nhau thế nào?
Các chuyên gia pháp lý cho biết có sự tương phản rõ rệt giữa hai trường hợp.
Trong trường hợp của ông Trump, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia đã cố gắng trong hơn một năm sau khi ông Trump rời nhiệm sở để lấy lại tất cả các hồ sơ mà ông cất giữ, nhưng không thành công. Cuối cùng, khi ông Trump trả lại 15 hộp tài liệu vào tháng 1 năm 2022, các quan chức Cục Lưu trữ đã phát hiện ra rằng chúng chứa các tài liệu mật.
Vấn đề đã được chuyển đến Bộ Tư pháp, nơi đã ban hành trát đòi hầu tòa của đại bồi thẩm đoàn vào tháng 5 năm ngoái để yêu cầu trả lại tất cả các hồ sơ mật. Sau đó, các nhà điều tra đã đến nhà ông Trump, nơi các luật sư của ông đã bàn giao thêm tài liệu và khẳng định không có thêm tài liệu nào trong nhà.
Điều đó hóa ra là sai. Bằng chứng bổ sung do FBI thu thập, bao gồm cả đoạn phim giám sát từ khu dinh thự Mar-a-Lago, đã khiến các đặc vụ phải xin phép tòa án để thực hiện lệnh khám xét vào ngày 8/8 năm ngoái giữa những lo ngại về khả năng cản trở.
FBI đã thu giữ thêm 13.000 tài liệu, khoảng 100 trong số đó được đánh dấu mật.
Trong trường hợp của ông Biden, ông Garland cho biết các luật sư của tổng thống đã thông báo cho Cơ quan Lưu trữ và Bộ Tư pháp vào tháng 11 rằng họ đã phát hiện ra chưa tới một chục hồ sơ mật bên trong một cái tủ tại viện nghiên cứu mang tên Trung tâm Penn Biden ở Washington D.C. vào đầu tháng đó.
Sau khi phát hiện ra, các luật sư tiếp tục tiến hành các cuộc truy tìm bổ sung tại tư gia của ông Biden ở Wilmington và Rehoboth Beach, bang Delaware, nơi nhiều tài liệu hơn được tìm thấy trong tháng 12 và tháng Giêng này. Tất cả đã được bàn giao cho cơ quan chức năng.
Biden và Trump đối mặt với hiểm hoạ pháp lý gì?
Đây là một tội phạm nếu việc lưu giữ và di chuyển các hồ sơ mật là cố ý.
Các công tố viên thường sẽ không truy tố về việc vô tình lưu giữ hồ sơ mật, nhưng nếu có bằng chứng về khả năng cản trở công lý, điều đó có thể thay đổi mọi thứ.
Vì lý do đó, các chuyên gia pháp lý nói, ông Trump đối mặt với nhiều hiểm hoạ pháp lý đáng kể hơn so với ông Biden.
Cho đến nay, Bộ Tư pháp không có gợi ý nào cho thấy ông Biden cố ý giữ lại hồ sơ hoặc từ chối trả lại cho chính phủ.
Ngoài ra, với tư cách là tổng thống, ông Biden khó có thể bị truy tố. Bộ Tư pháp chưa thay đổi chính sách lâu dài của mình rằng một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố.
Chính sách tương tự đã giúp bảo vệ ông Trump khi ông còn là tổng thống mà bị Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra. Lúc đó, ông Mueller đã từ chối xác định liệu ông Trump có cản trở cuộc điều tra về mối liên hệ có thể có giữa Nga và chiến dịch bầu cử năm 2016 của ông Trump hay không, vì chính sách vừa kể.