Nhìn một cách cảm quan thì ‘rõ ràng SCB có liên quan trong vụ người dân bị lừa đảo mua trái phiếu của công ty An Đông’ nhưng mọi việc còn cần cơ quan công an điều tra để truy ra bằng chứng rõ ràng cũng như động cơ phạm tội, một luật sư từ Hà Nội phân tích với VOA.
Trái phiếu của An Đông, một công ty con thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, được ngân hàng SCB, tức Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, phát hành cho người dân qua hệ thống chi nhánh của họ trên cả nước. Tổng cộng có gần 40.000 nạn nhân với số tiền bị thiệt hại lên đến hơn một tỷ đô la.
Hôm 8/10, bà Lan đã bị bắt về tội gian dối trong phát hành trái phiếu để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Đa số các nạn nhân trong vụ trái phiếu An Đông đều nói rằng họ đến SCB là để gửi tiết kiệm nhưng lại ‘bị SCB dụ mua trái phiếu’.
‘Cần làm rõ hành vi của SCB’
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Lê Quốc Quân, một luật sư bất đồng chính kiến, nhận định ‘nếu có tội danh rõ ràng để khởi tố SCB theo Bộ Luật Hình sự thì đến giờ Bộ Công an đã khởi tố rồi’.
“Đến giờ họ chỉ mới khởi tố tội lừa đảo phát hành trái phiếu ở công ty An Đông thôi,” luật sư Quân chỉ ra và cho rằng ‘những hoạt động trong đường dây của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, trong đó có thể có SCB, chưa rõ ràng’.
“Phải bắt đầu bằng những đơn tố giác của các nạn nhân thì cơ quan công an mới có cơ sở để điều tra xem hành vi của SCB có cấu thành tội danh hay chưa,” ông nói thêm và cho rằng các nạn nhân cần tố cáo hành vi ‘tư vấn không trung thực, không đầy đủ của ngân hàng để cố tình chiếm đoạt tài sản của họ’.
Tuy nhiên, ông cho rằng điều tra SCB ‘sẽ là vụ án rất khó’ vì ‘từng chi nhánh của họ có quy định riêng với nhân viên, mỗi nhân viên của họ lại có cách tiếp cận khách hàng khác nhau’.
“Khó còn chỗ phải chứng minh là SCB cố tình lừa đảo vì ngân hàng có thể nói đấy là do nhân viên tư vấn chứ họ không biết, còn quyền lựa chọn là của người mua, họ muốn mua trái phiếu có lãi suất cao hơn thì họ phải chịu rủi ro,” ông phân tích.
Nhưng nếu sau khi điều tra theo đơn tố giác mà công an thấy được ‘SCB có cả một cơ chế, hệ thống trong việc dụ dỗ người dân mua trái phiếu An Đông, từ cấp cao xuống dưới có văn bản khuyến khích, chỉ đạo nhân viên bán trái phiếu và có sự móc nối với đường dây của bà Trương Mỹ Lan thì khi đó họ sẽ khởi tố’, theo lập luận của luật sư Quân.
“Tức là bà Trương Mỹ Lan đã bị bắt về tội lừa đảo rồi, giờ phải xem xét xem SCB có nằm trong đường dây đó hay không, tức là họ biết rất rõ quá trình lừa đảo của bà Trương Mỹ Lan, biết rõ quá trình phát hành trái phiếu của An Đông là sai trái mà vẫn tiến hành phát hành cho người dân,” ông nói.
Ngoài ra, công an còn phải điều tra xem SCB có động cơ và mục đích gì trong vụ này hay không, chẳng hạn như họ có ăn hoa hồng trong việc bán trái phiếu không và tỷ lệ hoa hồng có lớn không để dẫn đến việc họ cố tình tư vấn cho khách hàng một cách thiên lệch và che giấu những rủi ro hay không, cũng theo lời ông Quân.
“Nếu công an điều tra kỹ lưỡng thì tôi tin việc này có liên quan,” ông nói thêm.
‘Nạn nhân yếu thế’
Ông chỉ ra rằng SCB ngay từ đầu sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã nhanh chóng phủ nhận trách nhiệm bằng cách khẳng định An Đông không phải là cổ đông của họ và bản thân bà Lan không tham gia điều hành SCB, họ chỉ là ‘bên môi giới bán trái phiếu cho người dân’.
Tuy nhiên, ông cho rằng lập luận của SCB ‘không đáng tin’ vì ‘căn cứ vào quan hệ giữa lãnh đạo SCB và Vạn Thịnh Phát thì chắc chắn họ biết rõ ý định lừa đảo của việc phát hành trái phiếu’ và rằng ‘tất cả nhân viên làm việc cho SCB đều phải tuân theo chỉ đạo của lãnh đạo ngân hàng’.
Ông Quân nói một khi đã xác định được SCB có trách nhiệm trong vụ lừa đảo này thì họ cũng phải gánh vác một phần việc khắc phục hậu quả.
Nhưng hiện giờ nếu xét về bằng chứng, về giấy trắng mực đen thì ‘SCB không liên quan’, vị luật sư này chỉ ra.
“Xét về cảm quan thì những nạn nhân bị yếu thế về bằng chứng,” ông phân tích. “Nhưng trên thực tế không có việc nào không để lại dấu vết, bộ công an sẽ truy ra từ các nạn nhân.”
Khi được hỏi việc một ngân hàng thương mại như SCB bán trái phiếu cho người dân đến gửi tiết kiệm có phải là hành vi trái pháp luật hay không, ông Quân nói rằng nếu SCB bán công khai thì chắc chắn có quy định cho họ bán rồi.
“Người ta phải xem khả năng của nó (công ty An Đông) như thế nào, xem sản phẩm của nó ra sao, phải tư vấn một cách đầy đủ, phải nhìn tất cả các phương diện khác nhau, có cả thuận lợi và rủi ro thì việc họ (SCB) bán trái phiếu cũng công bằng thôi,” ông nói.
Tuy nhiên, nếu SCB biết rõ trái phiếu họ đưa ra là trái phiếu dỏm mà vẫn bán thì đó là hành vi tiếp tay lừa đảo, cũng theo lời vị luật sư này.
Ông cho rằng khi mua trái phiếu, người dân thường nhìn vào xếp hạng tín nhiệm của các công ty phát hành trái phiếu để quyết định có mua hay không, còn trong những trường hợp mập mờ như công ty An Đông thì ‘lẽ ra chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp có kiến thức’.
“Ở Việt Nam hiện nay họ cứ phát hành và bán trái phiếu cho những người dân không có kiến thức,” ông chỉ trích.
Trong một thông báo mới nhất trên trang web hôm 16/11, SCB cho biết “đã triển khai nhiều buổi tiếp đón và đối thoại” với khách hàng liên quan tới việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp trên toàn hệ thống.
“SCB luôn sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến của quý khách hàng một cách đầy đủ, trật tự và cam kết đồng hành cùng các quý khách hàng”, ngân hàng này cho biết, nói thêm là “vẫn đang tiếp tục nỗ lực” làm việc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng như Bộ Tài Chính và Bộ Công an.
SCB cũng bày tỏ mong muốn rằng các khách hàng “hợp tác” với ngân hàng này để “bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo đúng quy trình và quy định của pháp luật, góp gần đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội”.