Vụ chuyến bay giải cứu: Chuyên viên Ban Đối ngoại Trung ương và cựu GĐ công ty du lịch bị bắt

Bà Lê Thị Ngọc Anh, chuyên viên Vụ Lễ tân, Ban đối ngoại Trung ương và ông Tào Đức Hiệp, nguyên Giám đốc Công ty TNHH du lịch dịch vụ công đoàn Đường sắt Việt Nam. Photo: Bộ Công an.

Bộ Công an Việt Nam vừa truy tố và bắt giam thêm hai người nữa, bao gồm một cựu giám đốc công ty du lịch và một cán bộ thuộc Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, liên quan đến vụ án tham ô từ các chuyến bay giải cứu, nâng tổng số bị can lên 24 người.

Ông Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho báo giới biết hôm 27/10 về việc khởi tố, bắt tạm giam và khám xét nơi ở và nơi làm việc của hai bị cáo gồm ông Tào Đức Hiệp và bà Lê Thị Ngọc Anh liên quan đến vụ điều tra mở rộng vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Cổng thông tin Bộ Công an cho biết ông Tào Đức Hiệp, 46 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty TNHH du lịch dịch vụ công đoàn Đường sắt Việt Nam, bị bắt về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó bà Lê Thị Ngọc Anh, 38 tuổi, hiện là chuyên viên Phòng nhà khách, Vụ Lễ tân, Ban đối ngoại Trung ương, bị bắt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Bà Ngọc Anh là người đầu tiên ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng - cơ quan có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại – bị bắt liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu” đang thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.

Việc bắt hai người này là diễn biến mới nhất trong vụ án đưa và nhận hối lộ đang được điều tra liên quan đến việc tổ chức chuyến bay hồi hương và bố trí nơi cách ly cho công dân Việt Nam từ nước ngoài bay về nước trong thời gian nước này đóng cửa biên giới vì đại dịch COVID-19 trong năm 2020-2021.

Cho đến nay hàng loạt các quan chức nhà nước, bao gồm các bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, và Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng và một số đơn vị khác đã bị bắt liên quan đến vụ án “đưa, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các chuyến bay giải cứu.

Vụ án bắt đầu từ cuối tháng 1/2022 và đến nay có tổng cộng 18 quan chức các cấp và 6 người khác đa phần là lãnh đạo doanh nghiệp du lịch, bị bắt. Các cán bộ đáng chú ý bị bắt trong đó có ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý của Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.

Trong một động thái dường như vụ án đang được điều tra sâu rộng khi mà ngày 24/10, Bộ Công an có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận các chuyến bay giải cứu, chuyến bay “combo” (kết hợp) đưa công dân Việt Nam về nước phải cung cấp hồ sơ, tài liệu... để phục vụ công tác điều tra.

Theo báo CAND, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT), Bộ Công an yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu đối với khách sạn, resort là địa điểm cách ly; cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án hình sự liên quan đến người nhập cảnh và các chuyến bay tự trả phí.

Cơ quan An ninh điều tra cho biết kết quả điều tra ban đầu phát hiện ra rằng các bị can đã thu lợi hàng tỉ đồng, số tiền đưa và nhận hối lộ trong vụ án lên đến hàng chục tỉ đồng, hàng trăm nghìn đôla.