Đường dẫn truy cập

Việt Nam: Bộ Ngoại giao tuyên bố ‘không bao che’ cán bộ trong vụ chuyến bay ‘giải cứu’


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Thị Thu Hằng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Thị Thu Hằng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/10 khẳng định “không có bao che hay vùng cấm” trong việc xử lý những cán bộ, viên chức vi phạm trong vụ “chuyến bay giải cứu” đưa công dân từ nước ngoài về Việt Nam trong thời gian diễn ra đại dịch, đồng thời cho biết đã “tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống” cho cán bộ, nhân viên của bộ.

“Quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao là tất cả cán bộ ngoại giao đều phải tuân thủ nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách và quy định của Nhà nước. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 6/10.

Các “chuyến bay giải cứu” được Việt Nam thực hiện từ tháng 12/2020 do rất nhiều người Việt ở nước ngoài cần trở về nước trong thời gian diễn ra đại dịch và nhiều hãng máy bay buộc phải đình chỉ hoạt động.

Các chuyến bay được gọi là “giải cứu công dân” này đã được chính phủ Việt Nam phê duyệt với sự tham gia của 5 bộ, bao gồm: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Theo lời người phát ngôn Bộ Công an, Trung tướng Tô Ân Xô, trong một cuộc họp báo vào tháng 6, lợi nhuận thu được sau mỗi chuyến bay “giải cứu” lên đến vài tỉ đồng sau khi trừ đi các chi phí, và kết quả điều tra ban đầu cho thấy các bị can đã nhận hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn đô la.

Cho đến nay, đã có hơn 20 người bị bắt trong vụ án này, đa số là lãnh đạo, cán bộ thuộc các bộ, ngành và văn phòng chính phủ. Trong đó, Bộ Ngoại giao có số cán bộ bị bắt giam nhiều nhất tính cho đến nay, và người có chức vụ cao nhất của bộ này bị bắt là ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Tại cuộc họp báo ngày 6/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết bộ này đã đình chỉ công tác một số cá nhân và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc, đồng thời đang “rà soát, hoàn thiện quy trình xử lý công việc” để bảo đảm sự hiệu quả và minh bạch.

“Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thứ nhất là tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, nhân viên”, tờ Lao Động dẫn lời người phát ngôn của Bộ này nói.

Tại cuộc họp của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 27/9 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ban này quyết định khai trừ đảng đối với ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; và ông Nguyễn Quang Linh, Trợ lý Phó thủ tướng thường trực, vì liên quan đến vụ án nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Các lãnh đạo này bị kết luận là “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc trong xã hội; làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG