Tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục bùng nổ sau khi Hà Nội tố cáo Bắc Kinh đánh đập, cướp bóc tài sản của ngư dân Việt ở quần đảo Hoàng Sa trong tháng rồi.
Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/9 đăng tải thông tin xác minh từ các cơ quan chức năng cho hay liên tục trong các ngày 1, 14, và 15 tháng 8, có ba tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc tấn công, tịch thu ngư cụ, hành hung ngư dân khi đang hành nghề tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Theo tố cáo của Việt Nam, 2 tàu cá số hiệu QNg 96416 TS và QNg 96674 TS bị ‘một số tàu Trung Quốc khống chế, ngăn cản và lấy đi một số tài sản’ hôm 1 và 14/8 và tiếp đó ngày 15/8 tàu cá QNg 96697 TS bị 2 ca nô của Trung Quốc ‘khống chế, lên tàu đập phá, tịch thu trái phép một số tài sản và đánh đập các ngư dân.’
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/9 đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội trao công hàm phản đối hành động của Bắc Kinh, theo loan báo của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đưa ra cùng ngày.
Ông Bình nói ‘Đây là những hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với luật pháp quốc tế và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo Cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân.’
Vẫn theo lời ông, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc ‘điều tra’, ‘xử lý nghiêm’ hành vi của lực lượng chức năng Trung Quốc, tránh tái diễn việc làm tương tự, và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt.
Hành động của Trung Quốc là phi pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ý kiến đề nghị họ phải bồi thường. Về việc họ có đánh đập và tịch thu tài sản, địa phương đã có báo cáo lên Bộ Ngoại giao rồi.Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác.
Bắc Kinh ngày 10/9 lên tiếng bác bỏ cáo giác của Hà Nội rằng tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn nhân Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận lực lượng chức năng nước này trong tháng rồi có lên 1 tàu đánh cá của Việt Nam, tịch thu các chất nổ dùng để đánh bắt cá bất hợp pháp và kiểm soát cũng như tịch thu một số tài sản của 2 tàu cá Việt khác.
Tuy nhiên, bà Hoa phủ nhận có xảy ra tấn công hay hành hung đối với tàu cá Việt và tuyên bố cáo giác của Việt Nam ‘hoàn toàn sai sự thật.’
Bắc Kinh tố cáo ngược lại rằng ngư dân Việt xâm nhập hải phận Trung Quốc bất hợp pháp và Bắc Kinh đã tịch thu được các chất nổ trên tàu cá Việt vốn bị cấm sử dụng trong hoạt động đánh bắt cá vì vi phạm luật lệ về bảo vệ môi trường.
Trao đổi với VOA Việt ngữ tối 10/9 liên quan đến tranh cãi đang diễn ra giữa hai nước Việt-Trung, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nói phía Việt Nam có bằng chứng ủng hộ những cáo giác của mình và đề nghị Trung Quốc cũng phải chứng minh cụ thể các cáo buộc của họ. Ông Võ Văn Trác:
“Hành động của Trung Quốc là phi pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có ý kiến đề nghị họ phải bồi thường. Về việc họ có đánh đập và tịch thu tài sản, địa phương đã có báo cáo lên Bộ Ngoại giao rồi, chắc là có chứng cớ. Còn phía Trung Quốc nói không phải là việc họ nói thôi, chứ bên mình nói bao giờ cũng phải có chứng cớ cả. Chuyện Trung Quốc nói, bây giờ mình cũng phải kiểm tra, và phải có chứng cớ cơ.”
Đáp yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại cho các ngư dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam phải có biện pháp hữu hiệu tăng cường giáo dục và quản lý ngư dân, chấm dứt hoạt động đánh bắt bất hợp pháp trong các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Your browser doesn’t support HTML5
Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi kiêm Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định với VOA Việt ngữ rằng công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về vấn đề chủ quyền và luật lệ đánh bắt được địa phương thực hiện thường xuyên. Ông Phan Huy Hoàng nói:
“Vẫn giáo dục ngư dân khi đánh bắt thủy sản phải bảo vệ nguồn, không vi phạm các quy định. Chúng tôi vẫn thường xuyên giáo dục, tuyên truyền như vậy theo luật của chính phủ.”
Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, Võ Văn Trác, cho hay Việt Nam có lực lượng kiểm soát và xử lý các vi phạm về đánh bắt để đảm bảo ngư dân hoạt động trong phạm vi chủ quyền Việt Nam và không vi phạm luật môi trường của quốc gia cũng như quốc tế:
“Bên này mình cũng đã cấm, hướng dẫn, và tuyên truyền ngư dân không được dùng chất nổ để đánh cá, ngay trên biển Việt Nam mình cũng cấm cơ. Mình thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giáo dục, và thi hành. Cũng đã thực hiện các biện pháp ngăn cấm, bắt và kỷ luật các ngư dân vi phạm. Công tác đó mình làm thường xuyên. Ngoài việc tuyên truyền phổ biến, trên biển mình có các tổ chức, ví dụ như lực lượng Kiểm ngư, để kiểm tra trong việc bảo vệ môi trường, chống sai phạm như đánh mìn hay dùng chất nổ. Tuy nhiên, lực lượng Kiểm ngư của mình cũng còn mỏng lắm, chưa đầy đủ, nên cũng có những trường hợp mình cũng chưa kiểm tra hết được. Kiểm ngư mới ra đời bao gồm nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống tất cả các việc vi phạm.”
Việt-Trung lâu nay vướng vào các tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa hiện do Trung Quốc kiểm soát.
Tháng 5 vừa qua, tranh cãi leo thang khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương vào hoạt động gần quần đảo này.
Dù giàn khoan đã được rút về nước từ giữa tháng 7, nhưng quan hệ đôi bên đã bị phương hại nghiêm trọng.
Trung Quốc dành chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi mà Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng có tuyên bố chủ quyền một phần.
Your browser doesn’t support HTML5