Các nỗ lực của Bắc Kinh tìm cách bảo vệ tốt hơn cửa ngõ vào Biển Đông của các tàu ngầm của họ có thể leo thang từ các vụ đối đầu với các phi cơ quân sự Mỹ thành một loan báo xác định một khu nhận dạng phòng không giới hạn trên khu vực này.
Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn lời hai cựu sĩ quan thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã về hưu, nói rằng Trung Quốc có thể tìm cách giới hạn hoạt động trên vùng không phận quanh đảo Hải Nam, giữa lúc Hoa Kỳ tiếp tục các phi vụ trinh sát thường lệ trong khu vực.
Đại Tá về hưu Nhạc Cương được trích lời nói rằng động thái này sẽ lặp lại hành động của Trung Quốc, tuyên bố một khu nhận dạng phòng không hồi tháng 11 năm ngoái trên một phần Biển Hoa Đông, một khu vực đang trong vòng tranh chấp với Nhật Bản.
Bloomberg trích lời Đại tá Nhạc nói mặc dù hãy còn quá sớm để thiết lập một khu nhận dạng phòng không trên toàn bộ Biển Đông tại thời điểm này, thiết lập một khu phòng không giới hạn trên vùng biển quanh đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc đặt căn cứ tàu ngầm lớn nhất của mình, là “một hành động hợp lý.”
Nếu Bắc Kinh thực hiện ý định này trên khu không phận mà Hoa Kỳ xác định là không phận quốc tế, nhưng Trung Quốc lại cho là thuộc khu đặc quyền kinh tế của mình, thì động thái này có thể sẽ vạch ra những lằn ranh đỏ đối với các phi vụ quân sự của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã khẳng định quyền của Bắc Kinh có thể áp dụng bất cứ biện pháp an ninh nào, kể cả tuyên bố các khu vực nhận dạng phòng không, trong khi cùng lúc chỉ trích những lời đồn đoán về kế hoạch thiết lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Đông, là chỉ có tính cách suy đoán mà thôi.
Tuy nhiên bất cứ động thái nào hướng tới việc tuyên bố một khu nhận dạng phòng không, tiếp theo sau quyết định của Trung Quốc hồi tháng Giêng năm nay, đòi các tàu đánh cá xin phép Bắc Kinh trước khi tiến vào các vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam, có thể tăng nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ giữa lực lượng không quân của Hoa Kỳ và của Trung Quốc.
Sự cố một chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát phản lực cơ Mỹ hôm 19 tháng 8 vừa rồi gần đảo Hải Nam, rồi sau đó phô trương vũ khí của mình cho phi công Mỹ trông thấy, đã bị Mỹ phản đối. Người phát ngôn của Ngũ Giác Đài, Phó Đô Đốc John Kirby nói rằng chiếc phi cơ Mỹ đang bay trong không phận quốc tế, và hành động của chiếc chiến đấu cơ Trung Quốc là không an toàn.
Trung Quốc khẳng định phi công của họ đã hành động một cách chuyên nghiệp.
Một tuần sau sự cố này, Đài Loan đã phái hai chiến đấu cơ lên đuổi theo hai phi cơ quân sự Trung Quốc mà chính phủ nước này nói đã xâm nhập không phận Đài Loan. Các phi cơ của Trung Quốc lúc đó đang bay về hướng Biển Đông, nơi cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam đã leo thang trong năm nay.
Ông Kang Jun Young, một Giaó sư thuộc Đại học Hankuk ở Seoul, nhận định rằng “những sự cố như thế này có thể xảy ra thường xuyên hơn bởi vì Trung Quốc muốn thay đổi hình ảnh của một nước thụ động trong quá khứ liên quan tới các vấn đề chủ quyền lãnh thổ.”
Giáo sư Young nói rằng bằng cách leo thang căng thẳng và thái độ quyết liệt bảo vệ đòi hỏi chủ quyền của mình, Trung Quốc muốn chứng tỏ cho thế giới thấy nước này không còn là nước Trung Quốc thời xưa nữa.
Nhưng thiết lập một khu nhận dạng phòng không trên vùng không phận gần đảo Hải Nam sẽ được Mỹ coi là một thách thức trực tiếp, vì Hoa Kỳ cho tới nay vẫn thực hiện các phi vụ trinh sát trong khu vực gần căn cứ hải quân của Trung Quốc tại vịnh Á Long.
Vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, Hoa Kỳ đã cho hai phi cơ ném bom B-52 bay qua không phận này.
Tuyên bố một khu vực tương tự trên Biển Đông có thể phức tạp hóa tình hình trên khắp Biển Đông, vì nó sẽ tác động trực tiếp tới các nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại đây bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Nguồn: Defensenews.com, Reuters, Japan Times