Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam sẽ “chủ động tham gia trao đổi và xử lý yêu cầu” liên quan Myanmar khi làm chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) vào tháng 4 tới.
Ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao cho biết như trên tại họp báo chiều 25/3, dù cho biết rằng chưa có hoạt động liên quan đến Myanmar được lên kế hoạch trong tháng 4.
Đài truyền hình VTV dẫn lời ông Việt nói: “Hiện nay Việt Nam là nước ASEAN duy nhất trong HĐBA LHQ, chính vì vậy Việt Nam rất quan tâm theo dõi tình hình ở Myanmar và tham gia một cách chủ động, tích cực trong các trao đổi về tình hình Myanmar tại ASEAN cũng như là HĐBA LHQ.”
“Myanmar đã là một vấn đề nằm trong chương trình nghị sự của HĐBA, nên cũng không loại trừ khả năng sẽ có nước yêu cầu tổ chức cuộc họp. Với tư cách là chủ tịch luân phiên của HĐBA, Việt Nam sẽ xử lý yêu cầu đó phù hợp với yêu cầu và hoạt động của HĐBA,” ông Việt nói.
Your browser doesn’t support HTML5
Vào chiều ngày 25/3, phản hồi lời kêu gọi nhóm họp đặc biệt về vấn đề Myanmar của một số lãnh đạo ASEAN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan ngại về tình hình bất ổn, bạo lực và thương vong đối với thường dân ở Myanmar.
“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước thành viên ASEAN khác trao đổi về các biện pháp hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn, sớm ổn định tình hình đóng góp và xây dựng cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định, thịnh vượng. Các đề xuất của các nước thành viên ASEAN sẽ được xem xét theo nguyên tắc và quy trình của ASEAN,” trang Tuổi Trẻ dẫn lời bà Hằng nói.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đỗ Hùng Việt cho biết ba vấn đề ưu tiên của Việt Nam khi đảm nhận vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an cùng một nhiệm kỳ ủy viên không thường trực 2020 – 2021 là: tăng cường hợp tác giữa LHQ và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại, trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột; khắc phục hậu quả bom mìn và hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn; bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.
HĐBA gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ 2 năm do Đại hội đồng LHQ bầu.
Trong tháng này Hoa Kỳ đang giữ vai trò chủ tịch HĐBA LHQ, tháng 4 sẽ đến Việt Nam, và tháng 5 sẽ đến phiên Trung Quốc.
XEM THÊM: Gần 500 tổ chức lên án Việt Nam và các nước đã ngăn LHQ chỉ trích nặng quân đội MyanmarHôm 10/3, HĐBA LHQ không đạt được đồng thuận để ra tuyên bố lên án nặng vụ đảo chính quân sự Myanmar lý do là 4 nước gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Việt Nam đã đề nghị sửa đổi bản thảo tuyên bố do Anh quốc soạn, yêu cầu không đề cập tới đảo chính do quân đội Myanmar thực hiện vào đầu tháng 2 mà đến nay đã giết chết hàng trăm người biểu tình.
Vào ngày 16/3, có đến 488 tổ chức xã hội dân sự Myanmar ra tuyên bố chung bày tỏ sự thất vọng trước việc HĐBA LHQ thiếu hành động cương quyết trước cuộc đảo chính và giết người tàn tạo của quân đội Myanmar. Đồng thời nhóm này lên án Việt Nam, Trung Quốc, Nga, và Ấn Độ vì cho rằng các quốc gia này muốn duy trì lợi ích kinh tế và địa chính trị trong mối quan hệ với chính quyền quân sự Myanmar.