Hoa Kỳ và nước Anh hôm 25/3 áp đặt các biện pháp chế tài đối với các tập đoàn công ty do quân đội Myanmar kiểm soát, tiếp theo sau cuộc đảo chánh ngày 1/2/21 và chiến dịch đàn áp gây nhiều tử vong. Washington nói động thái này là để đáp ứng “những hành động bạo lực đáng ghê sợ” của quân đội Myanmar.
Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói các các biện pháp chế tài đó nhắm vào Công ty TNHH Kinh tế Myanmar (Myanmar Economic Holding Ltd- gọi tắt là MEHL) và Tập đoàn Kinh tế Myanmar (MEC).
Anh quốc cũng áp đặt các biện pháp chế tài tương tự đối với MEHL, đơn cử các hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng chống lại người Hồi giáo Rohingya.
Đại diện của hai công ty bị trừng phạt, vốn nắm quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn của nền kinh tế Myanmar, không bình luận gì trước bản tin của Reuters hôm thứ Tư, rằng các các biện pháp chế tài đang được trông đợi.
Hành động của Mỹ và Anh hôm thứ Năm là những hành động có ý nghĩa nhất chống lại các lợi ích kinh doanh của quân đội Myanmar, vốn kiểm soát rất nhiều lĩnh vực: từ bia tới thuốc lá, cho tới viễn thông, sản xuất vỏ xe, hầm mỏ và địa ốc.
Động thái của Washington phong tỏa bất cứ tài sản nào mà các tập đoàn vừa kể nắm giữ tại Hoa Kỳ. Đây cũng là hành động mới nhất trong một loạt biện pháp trừng phạt khác tiếp theo sau cuộc đảo chính quân sự, nhắm vào ngân hàng trung ương Myanmar cũng như các tướng lãnh hàng đầu nước này.
Cách chỉ định này nghiêm cấm các công ty hay công dân Mỹ, không được giao dịch làm ăn hoặc có liên hệ tài chính nào với những người có tên trên danh sách bị chế tài.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói quân đội Myanmar ngày càng “có những hành động đáng lo ngại, nhắm vào các công dân của chính họ, từ ngày đảo chính 1/2/2021.
“Các bước hành động của Hoa Kỳ đặc biệt nhắm vào những kẻ cầm đầu đảo chính, các quyền lợi kinh tế của quân đội, và các nguồn tài trợ cho chiến dịch đàn áp bạo tàn của quân đội Myanmar,” ông Blinken nhấn mạnh: “Những biện pháp đó không nhắm vào nhân dân Myanmar.”
Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp:
“Hoa Kỳ và nước Anh đã chứng minh rằng chúng tôi sẽ thực thi các cam kết đã đưa ra để buộc những người cầm đầu vụ đảo chính phải chịu trách nhiệm về hành động của họ, và về các hành động bạo lực đáng lên án sau đó, cùng các hành động ngược đãi khác mà chúng ta đã chứng kiến trong mấy tuần gần đây.”
Các tổ chức bênh vực nhân quyền đã hoan nghênh động thái của Mỹ, nhưng họ hối thúc Mỹ phải đề ra các bước quyết liệt hơn nữa.
“Đây là một bước vô cùng quan trọng nhưng không phải là biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhất có thể được thực hiện,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói Washington nên nhắm thêm vào các nguồn lợi do khai thác khí đốt thiên nhiên của các công ty Myanmar liên doanh với các công ty quốc tế.
Tổ chức Global Witness cũng hối thúc Liên hiệp Châu Âu – EU hãy áp đặt các các biện pháp chế tài nhắm vào các lợi ích kinh doanh của quân đội Myanmar, và nói rằng nước Anh nên theo chân Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt MEC, Tập đoàn Kinh tế Myanmar.