Bộ Công An Việt Nam đã từ chối cho nhập cảnh tổng cộng 18 người nước ngoài theo chương trình thực điện tử trong trong hai năm qua, trong đó có 6 người bị cấm nhập cảnh được cho là vì lý do “an ninh quốc gia.”
Theo số liệu thống kê của Bộ Công An từ ngày 1/2/2017 - 15/10/2018, Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đã cấp 336.932 thị thực điện tử cho người nước ngoài.
Báo Tuổi trẻ trích lời Bộ Trưởng Bộ Công An Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội hôm 5/11 rằng Việt Nam đã từ chối đối với 6 người “thuộc diện chưa cho nhập cảnh” và từ chối 13 trường hợp “vì khai không đúng sự thật khi làm thủ tục” khi bộ này áp dụng thí điểm chương trình thị thực điện tử trong hai năm qua.
Tuy nhiên, cũng báo này cho biết, hai năm qua Việt Nam cũng chưa phát hiện người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc có vấn đề phức tạp về an ninh trật tự.
XEM THÊM: Một Việt Kiều Mỹ bị cấm nhập cảnh VN: ‘Hà Nội sợ gây rắc rối cho APEC’Truyền thông trong nước cho biết, việc thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam được thực hiện bắt đầu từ ngày 1/2/2017, áp dụng với công dân của 46 quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ, tại 28 cửa khẩu của Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần bị cáo buộc ngăn không cho một số người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền nhập cảnh.
Vào tháng 9, bà Debbie Stothard, Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế về Nhân Quyền, cho VOA biết bà bị An ninh sân bay Nội Bài đã tạm giữ và sau đó trục xuất hôm 9/9 khi đến dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 tại Hà Nội.
“Đây là lần đầu tiên tôi bị chặn. Thật là điều mỉa mai vì tôi từng đến phát biểu tại các hội thảo về nhân quyền nhưng lại không gặp rắc rối nào, nhưng khi tôi tới tham dự hội nghị về kinh tế, tôi lại gặp trở ngại”, quan chức nhân quyền quốc tế mang quốc tịch Malaysia nói với VOA Việt Ngữ.
XEM THÊM: HRW: ‘Nên xét lại việc tổ chức các sự kiện quốc tế tại Hà Nội’Cũng trong sự kiện này, bà Fon Mathuros, nữ phát ngôn viên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xác nhận rằng Việt Nam đã từ chối không cấp visa cho một lãnh đạo nhân quyền quốc tế khác, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế.
Vào tháng 10 năm ngoái, ông Dominic Pham, một người Mỹ gốc Việt tại thành phố Westminster, bang California, cho VOA biết rằng ông đã bị các viên chức an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, chặn lại, “mời làm việc” và sau đó thông báo miệng là ông từ chối nhập cảnh với lý mà ông tin là từng đăng bài, ảnh “nói xấu chế độ.”