Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 2/8 đề nghị các nước thành viên ASEAN tận dụng cơ hội làm việc với các đối tác để mua và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 giữa lúc các ca nhiễm virus corona đang gia tăng lên mức kỷ lục ở nhiều nước trong khu vực.
Đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được đưa ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) khai mạc vào ngày 2/8 theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của đại diện 10 nước thành viên ASEAN và các đối tác, trong đó có Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken.
Tại buổi họp, đại diện của Việt Nam cho rằng ASEAN cần phải “phát huy nội lực” của cộng đồng ASEAN để đối phó với tác động của đại dịch trong khu vực, theo VnExpress.
10 quốc gia Đông Nam Á hiện đang trải qua đợt bùng phát đại dịch mạnh, với số ca nhiễm tại nhiều nước tăng lên mức kỷ lục. Thái Lan hôm 2/8 ghi nhận 15.376 ca mắc mới, một con số nhiễm bệnh trong ngày cao kỷ lục sang ngày thứ 2 liên tiếp, trong khi Malaysia ghi nhận 17.045 ca mới bất chấp tình trạng phong toả đã được áp dụng kể từ tháng 6.
Quốc gia có dân số đông nhất ASEAN, Indonesia, cho đến nay báo cáo hơn 3,1 triệu người nhiễm bệnh và khoảng 83.000 ca tử vong trong tổng số 270 triệu dân của nước này.
Việt Nam hiện cũng đang ghi nhận số người nhiễm bệnh cao kỷ lục mỗi ngày trong đợt dịch bắt đầu từ ngày 27/4, với 7.425 ca mắc mới trong ngày 2/8 giữa lúc phong toả và giãn cách xã hội đang được áp dụng ở hơn một nửa số tỉnh thành của Việt Nam.
Trước tình trạng dịch bệnh đang gây ra những tác động lớn về xã hội và kinh tế, đại diện các nước ASEAN hôm 2/8 đã thúc đẩy việc hợp tác trong ứng phó với đại dịch, đặc biệt là về vấn đề vaccine COVID-19, khi nguồn cung khan hiếm từ các quốc gia phát triển vaccine hiện không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng nhằm miễn dịch cộng đồng ở các nước ASEAN đông dân cư.
Các bộ trưởng ASEAN đã đề nghị nhanh chóng triển khai kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cũng như Khung phục hồi tổng thể ASEAN, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Ngoài vấn đề đối phó với đại dịch, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hôm 2/8 cũng đề cập đến các nội dung quan trọng khác như Biển Đông, Triều Tiên, Trung Đông, Myanmar…
Các bộ trưởng tiếp tục khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước luật Biển 1982 (UNCLOS), kêu gọi kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Đại diện của Việt Nam tuy không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, nhưng nói rằng khu vực này hiện “vẫn chứng kiến các hành động trái với luật pháp quốc tế, kể cả những hành động gây tổn hại đến môi trường biển”. Một báo cáo hồi tháng trước của công ty của Mỹ chuyên phân tích hình ảnh vệ tinh dựa trên công nghệ AI, Simularity, dựa trên hình ảnh vệ tinh chụp trong khoảng thời gian 5 năm cho thấy những chất thải vệ sinh từ con người không được xử lý của 236 tàu cá của Trung Quốc thường xuyên hiện diện trong khu vực đang tạo ra các “vùng chết” đối với các rạn san hô và sinh vật biển.
“Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước luật Biển 1982 là cơ sở xác định quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển và là khuôn khổ điều chỉnh mọi hoạt động trên tất cả các vùng biển và đại dương”, Thanh Niên dẫn lời ông Bùi Thanh Sơn nói.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 54 diễn ra từ ngày 2/8 đến 6/8, bao gồm một chuỗi hơn 20 hội nghị, bên cạnh các hội nghị bên lề như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao quan hệ đối tác Mekong – Mỹ (MUSP) lần thứ 2, Bộ trưởng Ngoại giao những người bạn của Mekong (FOM) lần thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 14, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có mặt trong 5 cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, đồng thời nói thêm rằng Ngoại trưởng Mỹ “sẽ tái khẳng định rằng Hoa Kỳ sát cánh cùng cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS”.