Thành phố đăng cai Thế vận hội là Tokyo, cũng như Thái Lan và Malaysia, công bố số ca nhiễm COVID-19 cao kỷ lục vào thứ Bảy 31/7, chủ yếu là do biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Sự gia tăng các ca nhiễm biến chủng Delta đang làm chao đảo một số khu vực của châu Á, dù trước đây họ tương đối thành công trong việc kiềm chế COVID-19.
Chẳng hạn như Việt Nam, ngày 2/8, nước này sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt việc đi lại ở thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước, và 18 tỉnh thành khác trên khắp miền nam thêm 2 tuần nữa. Việt Nam hiện đang phải vật lộn với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất.
Số ca nhiễm cũng tăng cao ở Sydney, Australia. Chính quyền bang New South Wales ghi nhận có 210 trường hợp nhiễm mới ở Sydney và các khu vực lân cận từ đợt bùng phát biến chủng Delta.
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã công bố con số kỷ lục là 4.058 ca nhiễm bệnh trong 24 giờ qua. Các nhà tổ chức Thế vận hội báo cáo có 21 ca nhiễm COVID-19 mới liên quan đến Thế vận hội, nâng tổng số lên 241 ca kể từ ngày 1/7. Hôm 30/7, Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo đến cuối tháng 8 và áp dụng tình trạng này thêm cả với 3 tỉnh gần thủ đô và tỉnh Osaka ở phía tây.
Malaysia, một trong những điểm nóng của đại dịch, báo cáo có 17.786 trường hợp nhiễm virus corona vào ngày 31/7, một mức cao kỷ lục.
Hơn 100 người tập trung tại trung tâm Kuala Lumpur bày tỏ sự bất bình về cách chính phủ ứng phó với đại dịch và kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức.
Thái Lan cũng báo cáo mức cao kỷ lục về số ca nhiễm hàng ngày, với 18.912 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 597.287 ca. Nước này cũng báo cáo thêm 178 trường hợp tử vong mới, cũng là một kỷ lục tính theo ngày.
Chính phủ Thái cho biết biến chủng Delta chiếm hơn 60% các ca nhiễm trong nước và 80% số ca ở Bangkok.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm COVID-19 đã tăng 80% trong vòng 4 tuần qua ở hầu hết các khu vực trên thế giới.