Việt Nam hôm 20/7 cho biết đã đạt được các thỏa thuận về chuyển giao công nghệ đối với vaccine ngừa COVID-19 của Nga và Mỹ, theo Reuters.
Quốc gia Đông Nam Á đang muốn tăng cường năng lực vaccine của mình.
Vào tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ đang xem xét đề xuất của một nhà sản xuất không được nêu tên ở Việt Nam về việc trở thành trung tâm sản xuất vaccine COVID-19 theo công nghệ mRNA.
Bộ Y tế Việt Nam cũng đang đàm phán với Nga để sản xuất vaccine Sputnik V, Reuters dẫn lại truyền thông trong nước đưa tin.
Trong một tuyên bố hôm 20/7, Việt Nam cũng cho biết sẽ nhận thêm 20 triệu liều vaccine theo công nghệ mRNA của công ty Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức đồng phát triển, nâng tổng số vaccine nhận được lên 51 triệu liều.
Sau khi ngăn chặn thành công virus trong phần lớn thời gian diễn ra đại dịch, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất cho đến nay, với số ca lây nhiễm hàng ngày tăng lên mức kỷ lục, tạo thêm áp lực lên chính phủ trong việc tích trữ nguồn cung vaccine và đẩy nhanh việc tiêm chủng.
Bộ Y tế Việt Nam báo cáo có 4.795 ca nhiễm mới vào ngày 20/7, tăng lên so với 4.195 trường hợp vào ngày hôm trước. Cả nước hiện đã ghi nhận 62.820 ca nhiễm bệnh và 334 ca tử vong.
Chính phủ Việt Nam cho biết tính đến nay, Việt Nam đã đạt được hợp đồng mua 105 triệu liều vaccine COVID-19 và đang đàm phán với các nhà sản xuất khác về hợp đồng cung cấp thêm 70 triệu liều nữa, đồng thời hy vọng sẽ nhận được số vaccine này vào năm 2021 và đầu năm 2022.
Việt Nam hiện đã nhận được khoảng 10,6 triệu liều vaccine và dự kiến sắp nhận được nguồn cung cấp vaccine từ hãng Moderna của Hoa Kỳ thông qua cơ chế COVAX.
Tuyên bố của chính phủ cho biết thêm rằng họ cũng đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp vaccine Sinopharm.
Bộ Y tế Việt Nam cho biết vaccine sản xuất trong nước, NanoCovax, dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi vào cuối năm 2021.
Khoảng 4,3 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam cho đến nay, nhưng chỉ có khoảng 310.000 người được tiêm chủng đầy đủ trong tổng dân số 98 triệu người của Việt Nam.