Việt Nam kết án 14 người Công giáo, Tin Lành tội 'lật đổ chính phủ'

14 người Công giáo và Tin Lành bị cáo buộc 'hoạt động nhằm lật đổ chính quyền' (ảnh: thanhnienconggiao).

83 năm tù tổng cộng cho 14 nhà hoạt động xã hội và chính trị trẻ tuổi. Đó là kết quả vụ xét xử các thanh niên Công giáo tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An trong hai ngày 8 và 9 tháng Giêng về tội ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.

Các bị can bị tuyên án hôm nay là những người trẻ năng nổ trong công tác thiện nguyện xã hội, những blogger vận động cho nhân quyền-dân chủ và công bằng xã hội, những tiếng nói công khai phản đối Trung Quốc xâm lấn Biển Đông, những cộng tác viên tích cực của truyền thông Dòng Chúa Cứu thế, mạng lưới thông tin truyền thông nằm ngoài sự quản lý của nhà nước.

Họ bị cáo buộc tham gia đảng Việt Tân, một tổ chức ủng hộ dân chủ có cơ sở tại Hoa Kỳ mà Hà Nội gán cho là tổ chức khủng bố.

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào đây để nghe bài tường trình/phỏng vấn


Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Việt và Cộng sự, tổ chức đại diện pháp lý cho 7 nhà hoạt động trẻ trong số này, cho biết trong 4 người bị kết tội theo khoản 1 điều 79, có Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu bị 13 năm tù và 5 năm quản chế. Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị kêu án 8 năm tù. Các bị cáo còn lại bị kết tội ở khoản 2 điều 79 với các mức án từ 3 đến 6 năm tù. Chỉ có Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc lãnh 3 năm án treo.

Luật sư Thu Nam:

"Chúng tôi có 4 luật sư tham gia gồm Vương Thị Thanh, Hà Huy Sơn, Nguyễn Thị Huệ, và tôi là Trần Thu Nam. Chúng tôi đưa các chứng cứ có căn cứ và thuyết phục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì các chứng cứ trong hồ sơ này rất yếu, chưa đầy đủ để kết tội một người với tội danh rất nặng. Tội này chỉ sau tội phản bội tổ quốc với mức hình phạt cao nhất lên tới tử hình. Để kết tội họ như vậy cần phải điều tra bổ sung. Nếu điều tra bổ sung có thể có các chứng cứ có thể nói rằng họ không có tội. Chúng tôi đã đề nghị và đưa ra các luận cứ, luận điểm. Thế nhưng, Hội đồng xét xử không chấp nhận các quan điểm của luật sư chúng tôi. Chúng tôi rất buồn và thất vọng về phiên tòa hôm nay".

Họ bị quy kết về hành vi tham gia đảng Việt Tân. Việt Nam cho rằng đảng này phản động, hoạt động với tôn chỉ mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cho nên, họ đã quy kết các bị cáo vào điều 79, chứ không phải liên quan đến vấn đề Dòng Chúa Cứu Thế, không phải liên quan đến các hoạt động chính trị như biểu tình chống Trung Quốc...
Luật sư Thu Nam.
Luật sư Thu Nam nói chủ chốt vụ án này nằm ở yếu tố 'tham gia đảng Việt Tân':

'Họ bị quy kết về hành vi tham gia đảng Việt Tân. Cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam cho rằng đảng này phản động, hoạt động với tôn chỉ mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cho nên, họ đã quy kết các bị cáo vào điều 79, chứ không phải liên quan đến vấn đề Dòng Chúa Cứu Thế, không phải liên quan đến các hoạt động chính trị như biểu tình chống Trung Quốc'.

Vẫn theo luật sư Nam, trong 14 bị can có 8 người nhận rằng có thực hiện các hành vi và có vi phạm pháp luật Việt Nam. 6 người không thừa nhận vi phạm pháp luật gồm Hồ Đức Hòa, Lê Văn Sơn, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Văn Oanh, và Trần Minh Nhật.

Phát biểu với VOA Việt ngữ sau phiên tòa, ông Đỗ Văn Phẩm, cậu của Lê Văn Sơn, một trong ba thanh niên lãnh án cao nhất 13 năm tù giam, bày tỏ sự bức xúc:

"Họ quy cho cháu tội và tuyên án nặng nhất 13 năm tù, 5 năm quản chế. Gia đình bức xúc nhưng không làm gì được cả. Sơn không có tội. Sơn vẫn cương quyết ở tòa là không có một tội gì. Sơn làm việc chính đáng, công phúc, từ thiện, chứ không làm việc gì sai trái với đất nước Việt Nam cả. Phiên xử này án là án nhét túi chứ cũng chẳng phải là cái gì cả. Án là có trước rồi chứ không phải đến giờ xử mới ra án. Gia đình tôi thấy quá bức xúc."

Họ quy cho cháu tội và tuyên án nặng nhất 13 năm tù, 5 năm quản chế. Gia đình bức xúc nhưng không làm gì được cả. Sơn không có tội. Sơn vẫn cương quyết ở tòa là không có một tội gì. Sơn làm việc chính đáng, công phúc, từ thiện, chứ không làm việc gì sai trái với đất nước Việt Nam cả...
Ông Ðỗ Văn Phẩm, cậu của nhà hoạt động Lê Văn Sơn.
Đảng Việt Tân có trụ sở tại Mỹ, tổ chức Hà Nội gọi là phản động và khủng bố và cáo buộc 14 nhà hoạt động trẻ này tham gia nhằm lật đổ chính quyền, nói với VOA rằng việc các thanh niên này bị xử án chứng tỏ nhà cầm quyền Việt Nam coi thường các quan điểm chính trị ôn hòa và khát khao dân chủ của công dân.

Phát ngôn nhân của đảng, ông Hoàng Tứ Duy:

‘Điều quan trọng là các nhà hoạt động này không làm gì xâm hại đến xã hội Việt Nam mà ngược lại họ đã phục vụ đất nước qua việc đấu tranh cho công bằng xã hội, chống Trung Quốc xâm lược. Đây là những người yêu nước. Họ có quyền được tham dự bất cứ tổ chức nào mà họ quyết định.Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc làm của các anh em này và rất hãnh diện có thể chung vai với họ trong cuộc đấu tranh cho dân tộc. Rất tiếc là chính quyền Việt Nam không chấp nhận những tiếng nói độc lập và những sinh hoạt chính trị ôn hòa. Thời gian qua, rất nhiều người gồm blogger và các nhà dân chủ bị kết án rất nặng trong đó có những người hợp tác với Việt Tân và có những người hoàn toàn không dính líu tới đảng Việt Tân. Đó là thử thách chung cho đất nước Việt Nam và phong trào dân chủ Việt Nam. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách hỗ trợ họ và gia đình thân nhân của các nhà dân chủ trong nước đang gặp khó khăn. Về mặt quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để đặt vấn đề họ bị bắt giữ tùy tiện với các cơ chế quốc tế và các chính phủ tự do. Đảng Việt Tân chủ trương đấu tranh ôn hòa để dân chủ hóa đất nước. Chúng tôi thách thức nhà nước cộng sản Việt Nam chứng minh những điều họ cáo buộc đối với đảng Việt Tân trước dư luận Việt Nam và dư luận quốc tế.’

Các bản án nặng nề mở đầu năm 2013 mà Việt Nam dành cho 14 nhà hoạt động trẻ Công giáo ngay lập tức vấp phải sự lên án mạnh mẽ của giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới.

Những bản án cực kỳ nặng nề và nghiêm khắc khiến chúng tôi ngạc nhiên nhưng tiếc rằng thực trạng này đang ngày càng trở thành xu hướng của nhà cầm quyền Việt Nam...
Ông Phil Robertson, HRW.
Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc Human Rights Watch, nói với VOA Việt ngữ:

‘Những bản án cực kỳ nặng nề và nghiêm khắc khiến chúng tôi ngạc nhiên nhưng tiếc rằng thực trạng này đang ngày càng trở thành xu hướng của nhà cầm quyền Việt Nam. Những người này tham gia học tập đấu tranh bất bạo động, tình nguyện trong các công tác từ thiện xã hội, kêu gọi quyền tự do tôn giáo, tham gia biểu tình chống Trung Quốc..v.v…hoàn toàn là những hoạt động ôn hòa thực thi đúng quyền tự do bày tỏ quan điểm, tự do lập hội và hội họp. Việc Hà Nội bỏ tù họ là một hành động vi phạm nhân quyền không thể biện minh.Cộng đồng quốc tế nên thúc giục phóng thích các nhà hoạt động này và áp lực Hà Nội phải chấm dứt tình trạng đàn áp kiểu này.’

Thông cáo ngày 9/1 của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói án tù khắc nghiệt của 14 nhà hoạt động ôn hòa là một bằng chứng thêm nữa chứng tỏ sự chuyên quyền, bạo ngược của Hà Nội đối với chính người dân của mình và với thế giới khi họ cho rằng những ai tìm cách bảo vệ quyền con người là một mối đe dọa cho nhà nước.

Trong cùng ngày 9/1, đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã kêu gọi Việt Nam phóng thích ngay lập tức những nhà hoạt động và tất cả tù nhân lương tâm. Thông cáo của sứ quán Mỹ nói việc đối xử với những người bị kết tội không phù hợp với các nghĩa vụ của Việt Nam theo các luật quốc tế và nhân quyền. Vẫn theo tòa đại sứ Mỹ, những bản án này, cùng với việc bắt giữ luật sư hoạt động vì nhân quyền kiêm blogger Lê Quốc Quân kể từ ngày 27/12/2012, và việc giữ nguyên án tù đối với các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và Phan Thanh Hải cho thấy một xu hướng đáng lo ngại về nhân quyền ở Việt Nam.

http://www.youtube.com/embed/DD5RAQvsO_U