Từ Cương lĩnh 91 thời Đại hội 9 Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư Đỗ Mười, kinh tế Việt Nam là “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng có một số bạn đọc hỏi, nền kinh tế này liên hệ thế nào với tư bản nhà nước (TBNN), một thể chế được định danh rõ rệt và đã từng gây tranh luận trên phương diện học thuật trong các ngành triết lý, chính trị và sử học?
TBNN được định nghĩa như một nền kinh tế mà nhà nước thủ đắc, kiểm tra, và hoạch định trực tiếp đa phần nguồn lực của một quốc gia, từ đầu tư đến ngân hàng, tác động lên mọi hoạt động kinh doanh và giá cả.
Nhiều phương tiện sản xuất (tài nguyên, đất đai, vốn…) đều do nhà nước sở hữu, độc quyền sử dụng và phân bố. Thành phần đặc tuyển chính trị trong hệ thống TBNN hành xử không khác một đại chủ nhân ông. Lenin cho rằng TBNN là đà dẫn lên chủ nghĩa xã hội , nhưng những nhân vật như Bukharin cho là một bước giật lùi. Những nhà nghiên cứu cận đại như P. Mattik khẳng định tư bản và TBNN có khác nhau là khác là ở chỗ giữa những người nắm tiền và những người nắm quyền lực chính trị ai là kẻ thống trị. Giai cấp bị trị - những người vô sản - vẫn cùng số phận.
Trừ một số trường hợp điển hình như nước Đức trước Thế chiến 1, Liên Xô trước khi Chiến tranh lạnh chấm dứt, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc thời Mao…hiếm có quốc gia nào có tính cách TBNN 100%. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929, ảnh hưởng của nhà kinh tế John Maynard Keynes vô cùng lớn. Cung thừa (sản xuất tương đối quá nhiều) và cầu thiểu ( mất cân bằng với cung) là lý do gây khủng hoảng. Keynes chủ trương chức năng của nhà nước là kích cầu bằng đầu tư công, tìm cách tăng lợi tức tư (qua giảm thuế) để đẩy mức tiêu thụ quốc gia lên…Chủ thuyết này gần như được sự đồng thuận chẳng những chỉ trong các cuộc tranh luận ”hàn lâm” mà còn thành thực tế của nhiều chính sách kinh tế sau Thế chiến 2 ở Tây Âu và Bắc Mỹ.
Theo cách định danh của Paul Anthony Samuelson, người Mỹ đầu tiên được Nobel về kinh tế học, kinh tế là thực thể của một tổng hợp hỗn hợp công tư – a mixed economy – trong thuyết Tân cổ điển (Neo classical). Chủ thuyết kinh tế đó đến nay vẫn là cách nhìn được chấp nhận. Nhà nước có trách vụ điều tiết nền kinh tế nhằm ổn định những chu kỳ kinh tế (ecomic cycle) qua đầu tư công và phương thức kiểm soát tiền tệ qua tỷ số lợi nhuận và lượng cung ứng tiền tệ. Nhưng chấp nhận đó cũng có mức độ: trường phái Chicago chủ trương càng ít can thiệp của nhà nước càng tốt, thiên về dùng chính sách tiền tệ để điều tiết nền kinh tế.
Ở thái cực chủ nghĩa Tân tự do, nhà nước thu nhỏ dần rồi phải cuối cùng biến đi: mọi hoạt động kinh doanh vật chất là hoàn toàn do những nhân tố cá biệt có quyền tự do quyết định. Những kinh tế gia không có cái nhìn cực đoan như vậy phản biện, cho rằng nhà nước có vai trò vì có những khu sản xuất ”của công” (public goods) mà tư nhân không đảm đương được một cách tối ưu, thí dụ như y tế, giáo dục, nghiên cứu cơ bản, cơ sở hạ tầng, tái phân bố thu nhập xã hội…Định hướng xã hội cần, và phải có, trong khu vực chúng ta gọi là an sinh và phúc lợi hòng tránh những bất ổn xã hội. Khối những nước dân chủ xã hội Bắc Âu là thí dụ điển hình cho cách nhìn này.
Quay về nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ta. Kinh tế thị trường, dĩ nhiên. Việt Nam ra nhập WTO, mua bán gì với nước ngoài hẳn chấp nhận giá thị trường, mua đủ thứ, còn bán, nhìn kỹ là nông lâm phẩm, là lao động giá bèo trong những sản phẩm công nghiệp chế biến cấp thấp (may mặc, giày da…) cho những doanh nghiệp vốn nước ngoài FDI, hay ODA... Trong nước, giá người dân phải trả cho những dịch vụ y tế, giáo dục…hiện đang ”xã hội hóa” là giá thị trường?
Còn giá điện thì sao? Muốn tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây cao rao chi phí cao, rồi cúp điện, tạo áp lực. Khi Hà Nội nóng đến 40 độ C, cái giá thị trường tỷ lệ thuận với sự chịu đựng của người dân. Ở Quebec nơi tôi sống, doanh nghiệp nhà nước có tên là Hydroquebec mỗi lần tăng giá chỉ 2-3% là phải được Quốc hội tỉnh (bang) Quebec phê chuẩn sau khi đã tham khảo chẳng những Nhà Nước mà còn cả những tổ chức dân sự có quyền khiếu nại, và mọi sự việc đều được những cơ quan truyền thông phổ biến đầy đủ đến mọi công dân. Trên cơ sở sự kiện vừa kể, bảo rằng EVN hành xử theo "định hướng xã hội chủ nghĩa" thì chí ít là khá khiên cưỡng. Chẳng lẽ chủ nghĩa xã hội mà lại thế sao?
Nhưng nhà nước luôn luôn có vai trò trong nền kinh tế. Ngay trong những nước phát triển, nhà nước giữ trách vụ điều tiết nền kinh tế qua chính sách tiền tệ và đầu tư công nói ở mức tổng quan. Kiểm soát, phối hợp và có sách lược phát triển, nhà nước có thể ảnh hưởng đến một số khâu, ngành kinh tế. Đây là một điểm thiết yếu, nhất là cho những quốc gia đang vươn lên như Việt Nam. Những phạm trù quan trọng bảo đảm an ninh quốc phòng là một trọng điểm, Thứ đến, là y tế, giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông đường bộ, phi trường, hải cảng…), tài nguyên thiên nhiên (rừng, sông biển, quặng mỏ …), khu vực viễn thông, điện lực, dầu khí và những năng lực khác…Nhưng ảnh hưởng qua những chính sách khác hẳn cung cách quản trị với một số đảng viên có ít nhiều khả năng kỹ trị hệt như một ông chủ kinh doanh lớn. Đảng và nhà nước với những chỉ tiêu chính trị đâu có cần chen vào quản lý kinh doanh khiến hiện tượng “bàn giấy thư lại” (bureaucratic) sẽ là vật chướng ngại đối với mọi hiệu quả kinh tế tối cần cho một quốc gia đang tìm đường phát triển.
Kinh tế Việt Nam hiện nay là TBNN. Để biện minh, xin đề dẫn dăm con số rút từ Việnthống kê. Năm 2007, đầu tư của những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm 43.3%, trong khi đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chiếm 40,7%. Vốn DNNN cũng như tài sản cố định của DNNN nhiều gần gấp đôi DNTN. Oái oăm thay, đóng góp của DNNN vào GDP giảm từ 31% năm 1998 xuống 27.1% năm 2008, chỉ sử dụng chưa đến 50% lao động trong công nghiệp năm 2006, giảm hẳn một nửa so với năm 2000. Tỷ trọng sở hữu nguồn lực chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam hiện nay là TBNN, nhưng là một nền tư bản với hiệu năng kinh tế rất thấp và đầy những bất cập “bàn giấy” và nhũng nhiễu quan lại.
Những chuyện tai tiếng xoay quanh Tập đoàn kinh tế Vinashin chưa ráo mực. Sợ phản ứng hoang mang của dân, mới đây thôi, mục chính luận của báo Quân Đội Nhân Dân có bài với tựa đề rất đáng lưu tâm ”Không thể phủ nhận vai trò kinh tế nhà nước”.
Sau đây là một số ý kiến của tôi. Theo thiển ý, đúng là không thể phủ nhận vai trò này nếu như nhà nước bảo đảm được hoạt động nắm và làm kinh doanh một cách trực tiếp là chính sách có hiệu quả kinh tế. Còn nếu chỉ nợ nần và lỗ lã thì vấn đề cần đặt lại rất chính đáng, nhất là trước kỳ Đại hội Đảng sắp tới. Rất có thể, một cách tích cực, là chúng ta nên cùng suy nghĩ về một cuộc cải cách. Hay nói như các nhà chính trị hiện nay, một cuộc tái cấu trúc khu vực kinh tế quốc doanh. Vâng, nước đã đến chân rồi.
i. Paul Mattick, Marx et Keynes, Gallimard, coll. "Les Essais", n° 169, 1972, réédition 2010, ISBN 978-2-070127-89-4.
ii. Một số góp ý cho bài viết “Không thể phủ nhận vai trò kinh tế nhà nước”, boxitvn.net, 04-09-2010
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.