Với nội các đã hoàn tất, câu hỏi nhiều người đặt ra hiện nay là ai sẽ lên thay tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và một trong các ứng viên được coi là hàng đầu hiện nay là một nữ chính trị gia đang lên “như diều gặp gió”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân mới đây đã trở thành nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên của Việt Nam sau khi nhận được tới 95% số phiếu tán thành của các nhà lập pháp. Đây là con số cao hơn hẳn so với hai nhân vật khác trong “tam trụ” là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đây không phải lần đầu tiên bà Ngân vượt qua “kỳ sát hạch” tín nhiệm với số phiếu cao. Trong các lần lấy phiếu tín nhiệm tại quốc hội năm 2013 và 2014 , bà đều dẫn đầu danh sách. Bà nhận được số phiếu “tín nhiệm cao” tương ứng trong hai năm này là 372 và 390.
Nhận định về sự nổi lên trong thời gian qua của nữ chính trị gia này, ông Trương Duy Nhất, chủ trang blog “Một góc nhìn khác”, nêu ý kiến với VOA Việt Ngữ:
“Ở Việt Nam, những người nhận được phiếu tín nhiệm nhiều thường thường nặng ở cái nghĩa là trước anh ít có tì vết, ít có tham nhũng, ít có điều tiếng rồi sau đó họ mới đánh giá khả năng, năng lực làm việc của quan chức. Về bà Ngân, tôi thấy rằng đây là một nhân vật không có tì vết, không điều tiếng so với những nhân vật khác và tương đối sáng. Còn về cái năng lực điều hành thì tôi thấy bà ấy cũng trải qua, kinh qua nhiều từ thứ trưởng Bộ Tài chính tới bí thư Hải Dương, tới Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội rồi một nhiệm kỳ ngồi thử thách ở ghế phó chủ tịch quốc hội. Tôi thấy nhân vật này cũng được.”
Về bà Ngân, tôi thấy rằng đây là một nhân vật không có tì vết, không điều tiếng so với những nhân vật khác và tương đối sáng. Còn về cái năng lực điều hành thì tôi thấy bà ấy cũng trải qua, kinh qua nhiều từ thứ trưởng Bộ Tài chính tới bí thư Hải Dương, tới Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội rồi một nhiệm kỳ ngồi thử thách ở ghế phó chủ tịch quốc hội. Tôi thấy nhân vật này cũng được.Blogger Trương Duy Nhất nhận xét.
Nhận định về nữ chủ tịch quốc hội Việt Nam, Giáo sư Carl Thayer cho rằng bà Ngân nổi bật hơn hẳn so với các ông Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang và Nguyễn Xuân Phúc vì đã thể hiện “khả năng trong vai trò cựu bộ trưởng và cựu phó chủ tịch quốc hội”. Chuyên gia về Việt Nam này cũng dẫn kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên để chứng minh điều đó.
Trong khi đó, trên trang Facebook của Chính phủ Việt Nam, một người sử dụng mạng xã hội tên là Phương Huy Nguyễn viết: “Mong Bà sẽ là Aung San Suu Kyi của người dân Việt , dẹp hết nạn tham nhũng, quan liêu, bất công, lo tốt chính sách an sinh xã hội cho người dân, thực hiện luật pháp nghiêm minh theo ý nguyện của toàn dân. Từ đó được bạn bè quốc tế tôn trọng, quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Trước đây, nhiều tổng bí thư ở Việt Nam cũng có “bước đệm” làm chủ tịch quốc hội trước khi lên lãnh đạo đảng. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng có 5 năm đảm nhận cương vị người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam.
Người tiền nhiệm đương kim tổng bí thư, ông Nông Đức Mạnh cũng nhiều năm làm chủ tịch quốc hội trước khi lên lãnh đạo đảng.
Về khả năng bà Ngân sẽ lên thay ông Trọng, blogger Nhất nói:
“Nếu phương án đó có xảy ra, thậm chí bà Ngân một là làm tổng bí thư, hai là chủ tịch nước và ba là thủ tướng thì tôi cho rằng đó là phương án hay. Bây giờ, một số quốc gia cũng có các nhân vật nữ lên làm nguyên thủ. Tôi cho đó là xu thế hay, nhưng mà thực tế với bà Ngân, ở Việt Nam nó sẽ không xảy ra câu chuyện đó. Nhìn nhận cách cơ cấu nhân sự của đảng, thì bà Ngân sẽ không là tổng bí thư. Tổng bí thư sắp tới sẽ là một trong hai người Trần Đại Quang [chủ tịch nước] hoặc Đinh Thế Huynh [Thường trực Ban Bí thư]. Nhiều khả năng phương án hợp nhất hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước thì nó sẽ vào Trần Đại Quang nhiều hơn.”
Bây giờ, một số quốc gia cũng có các nhân vật nữ lên làm nguyên thủ. Tôi cho đó là xu thế hay, nhưng mà thực tế với bà Ngân, ở Việt Nam nó sẽ không xảy ra câu chuyện đó. Nhìn nhận cách cơ cấu nhân sự của đảng, thì bà Ngân sẽ không là tổng bí thư.Blogger Trương Duy Nhất nói.
Hồi cuối tháng Một vừa qua, ông Trọng đã khiến mạng xã hội “dậy sóng” với tuyên bố rằng ông “không ngờ” lại được “tín nhiệm bầu vào vị trí Tổng bí thư với số phiếu gần như tuyệt đối” dù “tuổi đã cao, sức khỏe có hạn”.
Từng xuất hiện các thông tin về việc nhà lãnh đạo hơn 70 này sẽ không đảm nhận nhiệm vụ cho tới hết nhiệm kỳ, mà sẽ “nghỉ giữa chừng” sau khi giúp chọn được một người kế nhiệm.
Trong bối cảnh chính trường “tranh tối, tranh sáng” ở Việt Nam, việc phán đoán ai sẽ lên kế nhiệm ông Trọng không phải là điều dễ dàng, và như vậy, sẽ lại tiếp tục có những tin đồn về người “nắm” đảng trong thời gian tới.
Your browser doesn’t support HTML5