Bắt đầu từ ngày 1/1/2023, Việt Nam lại một lần nữa là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc cho nhiệm kỳ 3 năm giữa lúc các nhà hoạt động và các tổ chức quốc tế tiếp tục lên án thành tích nhân quyền tồi tệ của nước này.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đăng quốc kỳ Việt Nam cùng với quốc kỳ của 46 nước thành viên khác trên Twitter hôm 1/1 và khuyến nghị rằng với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, các quốc này “có trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn cao về nhân quyền”.
Về phần mình trên cương vị mới, chính quyền Việt Nam nói rằng “Vấn đề đảm bảo và bảo vệ quyền con người là trọng tâm tại Việt Nam”, Thông tấn xã Việt Nam có bài xã luận hôm 2/1, ca ngợi thành tích nhân quyền tại quốc gia cộng sản.
Bài xã luận của TTXVN cho rằng những nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong thời gian vừa qua đã được cộng đồng quốc tế “ghi nhận”.
Việt Nam đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 trong một kỳ bỏ phiếu vào tháng 10/2022. Hội đồng Nhân quyền LHQ là cơ quan liên chính phủ chính trong hệ thống LHQ chịu trách nhiệm giải quyết các tình huống vi phạm nhân quyền trên thế giới.
Từ Đức, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, chia sẻ với VOA hôm 3/1 về các thách thức của Việt Nam trong vai trò mới này.
“Chắc chắn Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thách thức từ chính phủ các quốc gia dân chủ văn minh mà họ quan tâm đến tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế thường xuyên theo dõi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam”.
“Trong nhiệm kỳ 3 năm mới, nếu Việt Nam không tích cực cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước thì họ sẽ phải đối diện với những áp lực rất lớn cộng đồng quốc tế”.
Thông điệp của chính quyền Việt Nam cho nhiệm kỳ 3 năm tại Hội đồng Nhân quyền LHQ là “Tôn trọng lẫn nhau, đối thoại và hợp tác, bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.
XEM THÊM: LHQ, các nhóm nhân quyền: Việt Nam hồi hương người tị nạn Rohingya là ‘phi nhân đạo’
Your browser doesn’t support HTML5
Vài ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu vào tháng 10/2022, hàng loạt các tổ chức nhân quyền quốc tế, trong đó có Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), Ân xá Quốc tế (Amnesty International), Article 19 và International Commission of Jurists, lên tiếng quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam cũng như thúc giục Hội đồng Nhân quyền LHQ yêu cầu quốc gia Đông Nam Á đạt được những tiến bộ trước khi trở thành một thành viên của hội đồng.
“Việt Nam cần phải ngay lập tức cam kết thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hoạt động nhân quyền của mình, bằng cách thả những người bảo vệ nhân quyền bị giam giữ tùy tiện, trong đó có các nhà báo, đảm bảo quyền tự do ngôn luận và lập hội, đồng thời cải thiện hợp tác với các cơ chế nhân quyền quốc tế”, các tổ chức nói trong tuyên bố chung. “Các bước như vậy sẽ là điều cần thiết để Việt Nam trở thành một thành viên đáng tin cậy của Hội đồng”.
Luật sư Đài nhắc lại rằng các diễn biến gần đây như việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng trước đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo và bộ này trừng phạt một cựu quan chức công an Việt Nam là một những biểu hiện cụ thể cho thấy rằng các quốc gia phương Tây luôn quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam và sẽ tiếp tục gây áp lực với Hà Nội.
TTXVN hôm 2/1 nói rằng vẫn có những thế lực thù địch nhắm vào Việt Nam hòng “phá hoại” công tác dân chủ, tôn giáo để xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước. Dưới con mắt của TTXVN, một số tổ chức, trong đó có Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF), thường xuyên đưa ra các báo cáo có những bình luận “sai trái, phiến diện và vô căn cứ” về Việt Nam. Họ cáo buộc nước này “hạn chế” tự do tôn giáo hoặc “đàn áp” các tôn giáo.
Liên quan đến việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia trong Danh sách Theo dõi Đặc biệt về tự do tôn giáo, hãng thông tấn của nhà nước Việt Nam nói rằng cáo buộc của phía Mỹ dựa vào những tin tức “không chính xác và thiên vị”.
Trên bình diện quốc tế, các nhà hoạt động nhận định rằng trong nhiệm kỳ 3 năm của 47 quốc gia thành viên Hội Đồng Nhân quyền LHQ 2023-2025 thì có đến 70% nước thành viên không thuộc các quốc gia dân chủ, trong đó có Cuba, Trung Quốc, Việt Nam…
Nhà hoạt động, luật sư nhân quyền quốc tế người Canada Hillel Neuer viết trên Twitte hôm 2/1, dẫn thống kê của Freedom House, cho biết “chỉ có 30% thành viên UNHCR năm 2023 đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của một nền dân chủ”.