Một tòa án ở An Giang vừa tuyên phạt ông Nguyễn Như Phương, một cựu du học sinh tại Nhật, 5 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
Trong phiên xử sáng ngày 26/12, ông Phương bị tuyên án tù như trên vì bị cho rằng đã đăng tải nhiều thông tin với các nội dung “xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; kích động chống phá Đảng, Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức; kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết nội bộ”, theo trang Tuổi Trẻ Online.
Đây là một cáo buộc mà chính quyền Việt Nam thường sử dụng để tống giam hàng loạt các tiếng nói phản biện trên mạng xã hội, nhưng điều này lại bị các tổ chức nhân quyền quốc tế mạnh mẽ lên án.
Ông Nguyễn Như Phương, 31 tuổi, được cho là bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố vụ án hình sự này vào ngày 9/10/2021. Nhưng mãi đến ngày 30/8/2022, ông Phương mới bị tạm giam trong vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, do Công an thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, bắt giữ, vẫn theo báo Tuổi Trẻ.
Ngày 9/10/2021, Cơ quan an ninh điều tra tỉnh An Giang khởi tố vụ án hình sự theo Điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước” sau gần một tuần trên mạng xã hội xuất hiện video hơn 6 phút, phát đoạn ghi âm có nội dung trao đổi về công tác phòng chống COVID-19 tại An Giang, trong đó, một người được cho là đại tá Đinh Văn Nơi - khi ấy là giám đốc công an tỉnh này - và người còn lại là một cựu lãnh đạo tỉnh An Giang. Chính quyền và truyền thông Việt Nam khi ấy không cho biết ông Phương bị khởi tố trong vụ án này.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Nữ Phương Dung, một người bạn của ông Phương, nêu nhận định với VOA về bản án 5 năm tù và 3 năm quản chế đối với ông:
“Hơi bất ngờ về bản án đó. Bản án đó hơi bất công so với Phương quá”.
“Cái việc thông tin share [chia sẻ] trên mạng, thì vụ đó rất nhiều share trên mạng mà chỉ bắt tội một mình Phương thôi. Thật ra đoạn ghi âm chia sẻ đó nó cũng chẳng có gì thể hiện là ‘nói xấu nhà nước hay lãnh đạo’, nó chỉ thể hiện sự bức xúc khi cơ quan nhà nước họ làm không đúng, làm việc thiếu xót… thì chỉ là share lên để mọi người biết đến”.
Ông Đặng Đình Mạnh, luật sư bào chữa cho ông Phương, hôm 27/12 xác nhận với VOA rằng cáo trạng và hội đồng xét xử có đề cập đến đoạn ghi âm liên quan đến cuộc hội thoại của ông Đinh Văn Nơi tại phiên tòa hôm 26/12.
Theo sự điều chuyển của Bộ Công an, Đại tá Nơi làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh từ ngày 1/9/2022.
Bà Phương Dung cho biết thêm:
“Ban đầu Phương bị bắt vì ‘sử dụng chất kích thích’, nhưng rồi vụ án này đang trong thời gian điều tra và nay lãnh án theo Điều 117.
“‘Sử dụng chất kích thích’ là một điều bất ngờ đối với bạn bè và những người thân trong gia đình…”.
“Có thể đây là một cái bẫy hay một cái gì đó… mình không biết được. Mình không biết án đó [sử dụng chất kích thích] có thật hay không?”
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook hôm 26/12: “Kết thúc phiên tòa, ông Nguyễn Như Phương được di lý về trại tạm giam Bà Rịa, nơi ông đang bị điều tra về một vụ án khác đã khởi tố”.
“Hình phạt chồng hình phạt là một khả năng rất thật và đầy khó khăn mà ông Nguyễn Như Phương phải đối diện trong thời gian sắp tới”, Luật sư Mạnh cho biết thêm.
Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang, Công an và chính quyền tỉnh An Giang không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho biết ông Phương tham gia vào nhóm “NO U Sài Gòn" – nhóm tổ chức các hoạt động phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông và tham gia “Văn phòng công lý và hòa bình” ở Tp. Hồ Chí Minh.
Vụ xét xử ông Phương là vụ mới nhất trong hàng loạt các bản án “Tuyên truyền chống nhà nước” đối với các nhà báo độc lập và những người dùng mạng Facebook trong nước với những bản án bị cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân quyền gọi là “hà khắc nhằm bót nghẹt tiếng nói bất đồng”.
Vào tháng trước, một tòa án ở Thanh Hóa tuyên án thầy giáo Bùi Văn Thuận, một nhà bất đồng chính kiến, 8 năm tù giam và 5 năm quản chế vì các hoạt động “chống phá nhà nước” sau khi ông đăng trên mạng xã hội các bài bình luận chỉ trích chính quyền.
Tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) vừa cho biết trong năm 2022 Việt Nam đã tống giam 21 nhà báo độc lập, đứng thứ 7 trên thế giới. Còn theo thống kê của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), con số này là 39, đứng thứ 4 trên thế giới về số lượng các nhà báo bị chính quyền bỏ tù trong năm 2022.
Từ trước đến nay, vào các dịp khác nhau, chính quyền Việt Nam bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền hay trấn áp những người lên tiếng ôn hòa trên mạng xã hội, cho rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những người “vi phạm pháp luật”.
Diễn đàn