Hôm thứ Tư, Việt Nam đã mời đối tác chiến lược Ấn Độ thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở Biển Đông. Lời mời do Đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành đưa ra tại một hội thảo ở New Dehli, vào lúc có nhiều tin Trung Quốc mới đây triển khai chiến đấu cơ phản lực và hỏa tiễn địa đối không ở vùng biển.
Tại hội thảo mang tên “Biển Đông: Những tác động về an ninh và kinh tế”, Đại sứ Thành tuyên bố Việt Nam có “quyền chủ quyền và quyền tài phán” trong vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Ông khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các quyền của mình và duy trì các hoạt động bình thường trong vùng biển có chủ quyền của chúng tôi. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác, trong đó có Ấn Độ, để thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền”.
Bên cạnh quan hệ đối tác quốc phòng đang phát triển và việc mới đây Ấn Độ đặt một trạm theo dõi tín hiệu vệ tinh ở Việt Nam, Ấn Độ cũng đã được Việt Nam giao các lô dầu khí ở Biển Đông.
Từ năm 2006, tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC đã được quyền thăm dò khai thác hai lô ngoài khơi miền Trung Việt Nam - cả hai đều nằm trong khu vực đường 9 đoạn, thường gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc vạch ra để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Sau khi không tìm thấy dầu, Ấn Độ đã giao lại cho Việt Nam một lô nhưng vẫn tiếp tục dự án với lô còn lại. Ấn Độ nói vì lợi ích chiến lược nên họ tiếp tục thăm dò tại lô đó dù được coi là có tiềm năng thấp.
Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép đòi Ấn Độ chấm dứt mọi công tác thăm dò ở vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Năm 2011, Bắc Kinh chính thức cảnh cáo tập đoàn ONGC của Ấn Độ xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, song tập đoàn dầu khí của Ấn Độ vẫn làm ngơ trước các hù dọa của phía Bắc Kinh.
Trung Quốc cũng gây sức ép với nhiều công ty khác khi họ có kế hoạch thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông, kể cả các công ty của Mỹ hay Anh như Exxon Mobil, Chevron, ConocoPhillips và BP.
Tại cuộc hội thảo kể trên, Đại sứ Việt Nam nhắc lại Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cảm ơn quan điểm của Ấn Độ là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ, thiết lập hồi tháng 7/2007, đang ngày càng phát triển sâu rộng, tập trung vào 5 lĩnh vực - chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục. Cùng lúc, Ấn Độ đẩy mạnh thực hiện chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở phía đông, coi Việt Nam là một trọng tâm, cũng như công khai khẳng định Ấn Độ có lợi ích ở Biển Đông. Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ chính sách này.
Kể từ năm 2009, tranh chấp ở Biển Đông đã nóng lên do các hành động của Trung Quốc mà nhiều người cho là hung hãn, xâm phạm đến lợi ích của các nước liên quan.
Theo Economic Times, VNA.
Your browser doesn’t support HTML5