Trong khi căng thẳng đang leo thang vì những vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nguyên nhân gây tranh chấp, ít nhất một phần, được tin là đang nằm dưới đáy biển. Nhưng hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu tài nguyên dầu hoả và khí đốt bên dưới vùng biển này.
Cùng với các thuỷ lộ thương mại và quyền đánh bắt cá mang về những món lợi béo bở, các trữ lượng dầu khí thường được đơn cử như một nguyên nhân chủ yếu gây bất đồng về vấn đề nước nào sở hữu vùng biển nào, kể cả Trung Quốc, nước có yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông.
Nhưng có bao nhiêu dầu khí tại đây vẫn còn là một nghi vấn, theo ông Carl Thayer, Giáo sư Danh Dự của Học viện Quốc phòng Australia.
Giáo sư Thayer nói: “Chưa ai thực sự bỏ công ra làm việc này một cách khoa học. Đây chỉ là những ước đoán bởi vì đã có những vụ can thiệp vào các nỗ lực dò tìm dầu khí trong quá khứ, dây cáp của một số tàu bị cắt, nhiều chiếc tàu bị buộc phải rời khỏi vùng biển gần Philippines mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.”
Trung Quốc nói Biển Đông chứa tới 130 tỉ thùng dầu. Ước lượng của phía Mỹ có vẻ bảo thủ hơn. Cơ quan Thông tin Năng Lượng Mỹ ước tính Biển Đông có thể chỉ có 11 tỉ thùng dầu, và 190 nghìn tỉ mét khối khí đốt thiên nhiên.
Đa số các trữ lượng dầu và khí đốt nằm trong các vùng biển không có tranh chấp, gần bờ biển Malaysia, nước có 5 tỉ thùng dầu trong lãnh hải của mình. Việt Nam được tin là có 3 tỉ thùng và Trung Quốc 1,3 tỉ thùng.