Việt Nam muốn nối lại đàm phán để đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và luật pháp quốc tế, theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm thứ Năm 1/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói nối lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là ưu tiên của các nước ASEAN và Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo này, trả lời câu hỏi về lập trường của Việt Nam về công hàm ngoại giao gửi tới Liên Hiệp Quốc của Anh, Pháp và Đức, trong đó 3 cường quốc EU phản bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung nhằm duy trì ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông.
Trong cùng ngày, báo South China Morning Post loan tin Trung Quốc đã hạ thủy một tàu tuần tra hàng hải mới. Báo này nói đây là tàu tuần tra lớn nhất và tân tiến nhất của đội tàu dân sự Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc trước đó cho biết tàu tuần tra biển "Haixun 09" do Viện nghiên cứu 701 thuộc Tập đoàn tàu thuyền Trung Quốc (China State Shipbuilding Corporation) thiết kế, đã được hạ thủy thành công tại Quảng Châu ngày 29/9.
Báo South China Morning Post dẫn lời ông Cao Desheng, Cục trưởng Cục Hải sự thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, cho biết tàu Haixun 09 do Cục Hải sự Quảng Đông quản lý, sẽ giúp “kiểm soát giao thông hàng hải, tham gia các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, đảm bảo giao thông hàng hải an toàn, không bị cản trở và “bảo vệ các lợi ích biển của Trung Quốc.”
Cũng tại cuộc họp báo ngày 1/10, bà Hằng nói rằng các cuộc diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc trên Biển Đông “phương hại” tới hòa bình và ổn định khu vực.
Bà nói các hoạt động của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông hiện nay, làm phức tạp thêm tình hình và không tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. (COC).
Bà nhấn mạnh Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển.
“Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong Tuyên bố của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương,” bà nói.
Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Đức hôm 16/9 gửi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh các tuyên bố của Trung Quốc khẳng định nước này có “quyền lịch sử” trên biển Đông, là không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển- UNCLOS.