Việt Nam có thể kiểm soát giá cả để kiềm chế lạm phát

Bộ Tài chính sẽ áp dụng các biện pháp để kiểm soát giá cả, đặc biệt là các loại hàng hóa thiết yếu như thuốc men, sữa, thép, vật liệu xây dựng và khí đốt

Ngày càng có nhiều người phỏng đoán rằng Việt Nam sẽ sớm áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả sau khi lạm phát tăng vọt lên hai chữ số.

Trong khi người dân đang phải chật vật tính toán cho các chi phí sinh hoạt hàng ngày thì tình hình lạm phát tăng vọt đang gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách đang dần chuyển hướng nền kinh tế từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường tự do.

Theo Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 đã tăng 1,96% so với tháng 10, đẩy chi phí lương thực và dịch vụ nhà hàng lên cao.

Mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 1995 này đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên hơn 11% trong 12 tháng qua và hơn 9,5% kể từ ngày 1/1, tức là cao hơn so với mục tiêu 8% của chính phủ.

Hãng thông tấn Đức trích lời Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu hồi đầu tuần này nói rằng ‘Trong tương lai, Bộ Tài chính sẽ áp dụng các biện pháp để kiểm soát giá cả, đặc biệt là các loại hàng hóa thiết yếu như thuốc men, sữa, thép, vật liệu xây dựng và khí đốt.’

Chính phủ không cho biết cụ thể họ đang cân nhắc những biện pháp gì, trong khi các nhà quan sát thì cho biết họ hoài nghi về khả năng can thiệp của chính phủ.

Theo kinh tế gia Lê Đăng Doanh thì cho tới giờ này, tất cả những biện pháp mà chính phủ thực hiện để kiềm chế lạm phát đã không thực sự hiệu quả.

Ông Matthias Duhn, giới chức Phòng Thương mại Châu Âu ở Việt Nam, nói rằng biện pháp kiểm soát giá cả sẽ không phải là điều bất ngờ, tuy nhiên ông không tin rằng chính phủ có thể giải quyết được tận gốc vấn đề này trong dài hạn.

Lạm phát đã tác động đến đời sống thường nhật của người dân khi giá cả của nhiều mặt hàng có khi tăng tới gấp hai lần trong thời gian gần đây.

Theo ông Doanh một biện pháp kiềm chế lạm phát trước đó của chính phủ bằng việc áp đặt các biện pháp kiểm soát giá cả đối với các siêu thị đã không mấy thành công và đã không giúp gì được cho người nghèo thoát khỏi những đợt tăng giá trầm trọng nhất.

Ông cũng nói rằng chính phủ nên sử dụng các đòn bẩy tiền tệ và tài chính phù hợp với cơ chế thị trường tự do và cần phải cắt giảm chi tiêu, điều mà ông nói là chính phủ chưa làm tốt.

Nguồn: DPA, Financial Times