Đường dẫn truy cập

Các kinh tế gia thúc giục Việt Nam chuyển đổi chính sách


1 trong các chính sách mới của Việt Nam có việc tăng lãi suất của các khoản vay bằng nội tệ lên 9%
1 trong các chính sách mới của Việt Nam có việc tăng lãi suất của các khoản vay bằng nội tệ lên 9%

Các kinh tế gia nhận định giới hữu trách Việt Nam cần phải thực hiện một số thay đổi mạnh mẽ trong việc chỉ đạo chính sách, và có thể phải tiếp tục giảm giá tiền đồng nếu họ hy vọng đưa một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á này trở lại với đà phát triển vững chắc.

Một bài viết trên báo Wall Street Journal số ra ngày 25 tháng 11 cho hay chính phủ đã loan báo một loạt các chính sách mới trong những tuần gần đây trong một nỗ lực nhằm làm giảm áp lực lên tiền đồng, trong đó có việc tăng lãi suất của các khoản vay bằng nội tệ lên 9%; đề xuất áp đặt 20% thuế đối với việc xuất khẩu vàng; cho phép các ngân hàng thương mại nhập khẩu vàng và hối thúc các công ty ngưng nhập khẩu để tìm cách thu hẹp thâm hụt thương mại.

Tuy nhiên, bài báo nhận định những biện pháp này đã có rất ít hiệu quả. Tỷ lệ lạm phát trong tháng 11 đã tăng 11,09% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 9,66% của tháng 10, trong khi chính phủ kỳ vọng sẽ giữ mức thâm hụt thương mại ở mức 12 tỷ đôla trong năm nay.

Một nguyên nhân dẫn tới các vấn đề của nền kinh tế là mô hình kế hoạch hóa tập trung của chính phủ đã hạn chế sự linh hoạt chính sách ở cấp quốc gia. Ngân hàng Nhà nước nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ khiến cho các giới chức ngân hàng trung ương không thể thực hiện các biện pháp tiền tệ một cách quyết liệt để kiềm chế lạm phát.

Hệ thống cứng nhắc này có phần chắc sẽ không có sự thay đổi mạnh mẽ nào trong thời gian tới, tuy nhiên các kinh tế gia hy vọng rằng sẽ có một số sự chuyển đổi về mặt chính sách sau cuộc họp quan trọng vào tháng Giêng của đảng Cộng sản Việt Nam với việc bầu chọn các nhà lãnh đạo mới.

Ông Kevin Grice, kinh tế gia cao cấp tại tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics ở London nói rằng Việt Nam cần phải nhắm mục tiêu đến sự ổn định kinh tế, đó là giảm lạm phát và giảm thâm hụt thương mại chứ không phải là chỉ tăng trưởng GDP một cách nhanh chóng. Ông Grice nói thêm rằng nếu Việt Nam không dựa trên bước khởi đầu với việc tăng lãi suất cơ bản hồi đầu tháng này, thì theo ông Việt Nam sẽ ‘không thể tránh khỏi tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán và một nền kinh tế quá nóng vào năm 2011’.

Tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam hồi cuối năm 2009 là 27,93 tỷ đôla, tương đương với 39% tổng sản phẩm nội địa. Một số kinh tế gia cho rằng kể từ cuối năm 2009, con số này có thể đã leo lên tới khoảng 50% GDP.

Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg mức thâm hụt thương mại gia tăng trong tháng 11 của Việt Nam đang càng gây áp lực lên tiền đồng, vốn đã bị giảm giá 3 lần trong năm qua.

Theo ông Hải Phạm, một phân tích gia của ngân hàng ANZ ở Singapore, mức thâm hụt thương mại lên tới 1,25 tỷ đồng trong tháng 11 là cú đánh thứ hai vào niềm tin đối với tiền đồng trong những ngày qua.

Số liệu này cũng sẽ càng gây áp lực buộc giới hữu trách phải tiếp tục giảm giá tiền đồng mặc dù chính phủ đã loại bỏ khả năng sẽ giảm giá tiền đồng cho tới sau Tết Nguyên Đán vào tháng Hai.

Ông Hải Phạm và ông Paul Gruenwald, Kinh tế gia trưởng của ANZ ở Châu Á nói rằng các lý do chính trị có thể khiến chính phủ phải giữ lời hứa, thậm chí cả khi việc giảm giá tiền đồng là một hành động hợp lý về mặt kinh tế hiện giờ.

Tuy nhiên, hai chuyên gia này nói thêm rằng nếu không hành động bây giờ thì chính phủ có thể sẽ phải giảm giá tiền đồng thêm 5% vào tháng Hai năm tới và có thể phải giãn biên độ giao dịch lên 5% thay vì 3% như hiện nay.

Nguồn: Wall Street Journal, Bloomberg

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG