Trong bản dự báo cuối năm, Liên hiệp quốc cho biết các nền kinh tế Á châu Thái bình dương đang đối mặt với một thời kỳ khó khăn hơn vì các chính phủ trên khắp thế giới đang tuần tự kết thúc các chương trình kích thích kinh tế vốn được bắt đầu thực hiện trong lúc xảy ra vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu.
Ông Nagesh Kumar, kinh tế gia trưởng của Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên hiệp quốc khu vực Á châu Thái bình dương, cho biết như sau:
Ông Kumar cho biết: "Nhìn về phía trước chúng tôi nhận thấy một tổ hợp các thách thức có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng ở Á châu Thái bình dương bị chậm lại đôi chút. Điều này chủ yếu là có liên hệ với sự phục hồi chậm chạp ở Hoa Kỳ và Âu châu, ảnh hưởng tới tỉ lệ tăng trưởng của khu vực Á châu Thái bình dương."
Trung Quốc và Ấn Ðộ đã dẫn đầu sự phục hồi của Á châu khỏi tình trạng suy thoái toàn cầu bắt đầu năm 2008. Nhờ vào sức mạnh của hai nước này mà các nền kinh tế Á châu đã có tỉ lệ tăng trưởng trung bình 8,3% trong năm nay, nhưng tỉ lệ này có thể giảm xuống còn 7% trong năm tới.
Một số các nền kinh tế Á châu đang đối mặt với một thách thức là nguồn vốn đầu tư đổ vào từ Âu châu và Hoa Kỳ. Nguồn lợi thu được từ các khoản đầu tư ở Hoa Kỳ và Âu châu hiện ở mức thấp và điều này khiến cho các nhà đầu tư quốc tế quay sang Á châu để tìm kiếm lợi nhuận. Việc Quĩ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hồi gần đây quyết định bơm thêm 600 tỉ đô la vào nền kinh tế Mỹ có thể làm gia tăng lượng tiền đổ vào Á châu.
Ông Kumar cảnh báo rằng lượng tiền này có thể gây ra điều mà ông gọi là “hiệu ứng sóng thần” ở Á châu – có nghĩa là tiền ồ ạt tràn vào rồi gây ra những thiệt hại to lớn khi tiền được rút đi một cách đột ngột.
Ông Kumar nói rằng lượng tiền này có thể làm tăng mạnh giá cả của những tích sản như cổ phiếu và nhà đất, gây áp lực tăng giá cho các chỉ tệ và làm cho lạm phát gia tăng. Ông khuyên các chính phủ hãy áp dụng những biện pháp kiểm soát đối với dòng vốn ra vào nước họ.
Việc tăng giá chỉ tệ có thể gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu, vốn là nguồn tăng trưởng chính của khu vực này trong nhiều thập niên qua. Kinh tế gia Kumar nói rằng vụ khủng hoảng tài chánh mang lại cho Á châu một cơ hội để tìm kiếm những mô thức kinh doanh mới, tập trung vào sự tiêu thụ của người dân trong khu vực.
Ông Kumar cũng cho biết rằng sự tích lũy khổng lồ của các quĩ dự trữ ngoại tệ cũng mở đường cho các chính phủ thành lập một ngân hàng trung ương khu vực hoặc những định chế tài chánh khác. Điều đó sẽ cho phép các quĩ dự trữ, hiện vượt mức 5 ngàn tỉ đô la, được sử dụng vào những mục tiêu hữu ích hơn.
Ông Kumar nói: "Các quĩ dự trữ này đã tích lũy tới một mức quá cao, đến nỗi việc quản lý chúng trở thành một vấn đề khó khăn. Việc quản lý các quĩ dự trữ này gây ra tốn kém vì tỉ lệ thu hồi nằm ở mức âm. Nếu chúng ta có thể tìm ra những cách thức hữu ích hơn để sử dụng khoản tiền này bên trong khu vực thì đó sẽ là một điều rất nên làm xét theo quan điểm của các chính phủ hoặc quan điểm của các ngân hàng trung ương."
Ông Kumar cho hay các nước có thể gộp chung các quĩ dự trữ để tài trợ cho các dự án phát triển, tương tự như cách thức mà các nước Mỹ châu La tinh đã làm trong những năm gần đây.
Tuy tăng trưởng có chậm lại đôi chút trong năm tới, phúc trình của Liên hiệp quốc nói rằng triển vọng của Á châu vẫn tiếp tục tốt đẹp, một phần là nhờ những hoạt động thương mại đang ngày càng gia tăng với Phi châu và Mỹ châu La tinh.
Phúc trình này nói rằng Á châu sẽ tiếp tục là khu vực chính đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.
Một bản phúc trình của Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết tăng trưởng kinh tế của Á châu sẽ chậm lại trong năm 2011 vì sự tăng trưởng yếu ớt ở Âu châu và Hoa Kỳ. Theo tường thuật do thông tín viên Ron Corben của đài chúng tôi gởi về từ Bangkok, một kinh tế gia của Liên hiệp quốc nói rằng Á châu nên xem xét tới việc thành lập một định chế tài chánh khu vực để sử dụng số vốn đang tích lũy quá nhiều tại các ngân hàng trung ương của các nước cho các dự án phát triển.