Ngân hàng Thế giới và đại diện chính phủ Việt Nam hôm 23/2 đã công bố một phúc trình nêu ra các bước để nâng Việt Nam thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Phúc trình này đề xuất Việt Nam cần xây dựng một khu vực tư nhân cạnh tranh hơn, trợ giúp đô thị hóa thông minh, thúc đẩy sáng tạo và tận dụng các cơ hội mậu dịch gia tăng để thực hiện các cải cách cơ cấu rộng rãi. Trong các cải cách, nhu cầu cải tổ ngành vận tải là một trọng tâm.
Theo bản phúc trình, các hình thức vận tải hiện có ở Việt Nam đang bị quá tải ở trong và xung quanh các cụm kinh tế trọng điểm, và các cụm đó lại không kết nối tốt với nhau hoặc với các cửa ngõ thương mại trọng điểm. Điều này phản ánh sự thiếu phối hợp trong việc phát triển các vùng kinh tế và các hành lang vận tải.
Trong số các vấn đề lớn là điều kiện đường sá kém cỏi, hạ tầng đường sắt và đường thủy nội địa kém phát triển, và bất cân đối cung-cầu về hạ tầng cảng biển nước sâu.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đầu tư vào đường cao tốc, song cũng cần cân đối chi tiêu để chuyển tiền từ đầu tư vào đường bộ - là hình thức vận tải nội địa tốn kém nhất - sang các cơ sở phục vụ nhiều hình thức khác nhau nhằm tận dụng các loại hình vận tải có hiệu quả về chi phí cao hơn như đường sắt và đường thủy nội địa.
Trong vài thập kỷ tới, nhu cầu tài chính của Việt Nam để xây dựng hạ tầng có thể lên đến hàng chục tỷ đôla mỗi năm.
Theo Maritime-executive.com, World Bank.
Your browser doesn’t support HTML5