Nhà máy lọc dầu duy nhất của Việt Nam, Công ty Lọc Hóa Dầu Bình Sơn, hôm 24/2 đăng thông báo trên trang web của mình nói rằng họ đang đối mặt với những khó khăn không bán được xăng, dầu vì các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Nam Triều Tiên và các nước ASEAN đã làm cho xăng dầu nhập khẩu có giá tốt hơn hàng cùng loại trong nước.
Theo Hiệp định Thương mại Tự do với Nam Triều Tiên, Việt Nam giảm thuế nhập xăng của Nam Triều Tiên từ 20% còn 10% có hiệu lực từ 20/12/2015 đến 2018.
Trong khi đó, Việt Nam lại áp thuế với sản phẩm từ công ty Bình Sơn, hay vẫn thường gọi là nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong đó thuế với xăng là 20%, gây khó cho việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu của Nam Triều Tiên.
Do khác biệt về mức thuế, trong tháng 1, xăng nhập từ Nam Triều Tiên rẻ hơn xăng của Dung Quất tới 4,87 đôla mỗi thùng. Tập đoàn dầu khí Việt Nam, PetroVietnam, hãng mẹ của của nhà máy Dung Quất, đang đề nghị chính phủ giảm thuế.
Bên cạnh hiệp định FTA với Nam Triều Tiên, Việt Nam cũng tham gia Hiệp định Mậu dịch Hàng hóa ASEAN (ATIGA), theo đó Việt Nam sẽ duy trì mức thuế nhập xăng từ các nước ASEAN là 20% cho đến 2018. Mặc dù vậy, Việt Nam đã bãi bỏ thuế nhập khẩu với dầu diesel, dầu hỏa và dầu nấu bếp kể từ tháng 1 năm nay.
PetroVietnam nói việc không bán được hàng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của nhà máy Dung Quất. Vừa qua, PetroVietnam đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và cả Văn phòng Chính phủ để cảnh báo nguy cơ “bắt buộc phải giảm công suất hoặc tạm dừng nhà máy trong thời gian tới”.
Một bài báo do Zingnews đăng tải cách đây 1 ngày chỉ ra rằng dù lọc dầu Dung Quất luôn kêu than trong tình trạng "khó khăn", thậm chí đến mức có "nguy cơ phải đóng cửa", nhưng theo báo cáo của PetroVietnam, trong năm 2015 nhà máy Dung Quất có lãi sau thuế đạt 5.690 tỷ đồng, vượt hẳn kế hoạch ban đầu 52%.
Nhiều chuyên gia nói nhà máy đã được hưởng ưu đãi nhưng vẫn nhiều lần kiến nghị được giảm thêm thuế suất là không hợp lý. Tiến sỹ Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), nói trong bài báo của Zingnews rằng “Cơ quan quản lý cần đến tận nơi xem xét tình hình, đối chiếu giữa kiến nghị của PetroVietnam với tình hình thực tế xem có thực sự cần thiết để điều chỉnh hay không”.
Bài báo cũng dẫn lời Tiến sỹ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho rằng nếu cứ tiếp tục kéo dài mãi việc cho Lọc dầu Dung Quất hưởng ưu đãi sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Tiến sỹ Hồ nói nhà nước chỉ nên ưu đãi cho Dung Quất đến năm 2018 như kế hoạch.
Theo Tiến sỹ Hồ, điều mấu chốt xây dựng hệ thống quản trị tốt cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất mới có sức cạnh tranh. “Còn cứ để ưu đãi mãi, bù lỗ mãi thì Dung Quất không thể tiến lên được. Xin nhắc lại, ưu đãi mà không cải thiện quản trị thì vẫn xấu đi”, Tiến sỹ Hồ nói.
Bài báo nhấn mạnh về lâu về dài, nhà nước Việt Nam không thể kéo dài mãi được việc bảo hộ hay ưu đãi “vì nguồn ngân sách còn đang khó khăn, hụt thu do giá dầu giảm”, ngoài ra còn có sức ép từ việc Việt Nam đã tham gia, ký kết được nhiều Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Theo Platts.com, Zingnews