Giới chức Liên Hiệp Quốc đang thực hiện công tác tìm hiểu sự thực tại Việt Nam, ông Heiner Bielefeldt, nói rằng những vụ vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là “một thực tế” ở Việt Nam. Từ Hà Nội, thông tín viên Marianne Brown gửi về bài tường thuật sau đây.
Báo cáo viên Ðặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo, ông Heiner Bielefeldt nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Hà Nội:
“Tôi là nhân chứng của một số hành vi, mà tôi không muốn kể ra chi tiết ở đây, về sự hăm dọa, sách nhiễu và theo dõi các cuộc nói chuyện riêng tư.”
Các cuộc họp ở Việt Nam của các nhóm tôn giáo phải được đăng ký với chính quyền. Hiện có khoảng một chục tôn giáo được thừa nhận, với 37 tổ chức chi nhánh, so với 34 tổ chức vào năm 2010.
Theo ông Bielefeldt, các vụ vi phạm tự do tôn giáo đặc biệt ảnh hưởng tới các nhóm độc lập của các Phật tử, kể cả những người theo đạo Hòa Hảo, cũng như Cao Ðài, một số cộng đồng Cơ đốc giáo và những người hoạt động trong Giáo hội Thiên chúa giáo.
Tuy nhiên, ngay cả những người thuộc các tổ chức được chính phủ cho phép cũng báo cáo có vấn đề.
Ông Bielefeldt nói: “Chẳng hạn, các thành viên của các cộng đồng trong Mặt trận Tổ quốc dường như biết tổng quát về các vụ việc, một số biết chung về những vấn đề khó khăn, có liên quan đến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng ở Việt Nam.”
Ông Bielefeldt nói có lý do để lạc quan. Ông hy vọng chính phủ sẽ dùng các luật lệ sắp tới về các vấn đề tôn giáo để làm cho các nguyên tắc và tập tục phù hợp hơn hơn với quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của tất cả mọi người.
Ông cho biết cũng đã có tiến bộ trong không gian dành cho việc thực thi tôn giáo trong mấy năm vừa qua.
Ðại diện Bộ Ngoại giao, ông Phạm Hải Anh, nói tại cuộc họp báo rằng nước chủ nhà “có trách nhiệm bảo đảm an toàn và an ninh cho Báo cáo viên Ðặc biệt.”
Ông Phạm Hải Anh nói có thể đã có sự hiểu lầm phần nào về các vụ bị cho là vi phạm.
Tuy nhiên, ông Bielefeldt đáp lại rằng ông không thấy “thuyết phục mà coi đây chỉ là sự hiểu lầm.”
Ông Bielefeldt là Giáo sư về Nhân quyền và Chính sự Nhân quyền tại trường Ðại học Erlangen-Nurnberg ở Ðức. Ông sẽ trình bày báo cáo chính thức lên khóa họp thứ 28 của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 3 năm 2015.
Trong báo cáo gần đây nhất về tự do tôn giáo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói Việt Nam đã đạt được một vài tiến bộ, nhưng vẫn còn hạn chế các quyền tự do tôn giáo.