Xuất thân trong một gia đình khá giả tại Mỹ, là con trai của nhà ngoại giao Herbert Salzman, một chuyên gia cố vấn kinh tế cho 4 đời Tổng thống Hoa Kỳ, điều gì đã khiến thương gia Salzman mang vốn liếng, sự sản của mình sang Hà Nội lập nghiệp giữa lúc thị trường Việt Nam còn nhiều khó khăn và bị chi phối nặng nề bởi lệnh cấm vận thương mại của Mỹ?
Mời quý vị cùng nghe câu chuyện thành công và những chia sẻ của doanh gia Salzman trong buổi trao đổi mà ông dành cho Tạp chí Thanh Niên hôm nay:
Anthony Salzman: Có một số lý do khiến tôi quyết định sang Việt Nam kinh doanh từ 17 năm trước. Thứ nhất, tôi là một doanh nhân. Ông nội và ông ngoại của tôi đều là những thương gia. Họ từ Nga sang Hoa Kỳ làm ăn bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Cha tôi là một giới chức kinh tế cấp cao trong chính phủ Mỹ. Hai anh em tôi trưởng thành với truyền thống phải nỗ lực làm một điều gì đó có ý nghĩa quan trọng cho thế giới và cho xã hội, đóng góp những điều hữu ích bằng công việc kinh doanh. Với ý tưởng đó, tôi đã tìm kiếm cho mình một nơi để có thể trở thành một con cá lớn trong một cái ao nhỏ. Và lúc bấy giờ, Việt Nam là một sự lựa chọn thích hợp, vì mọi thứ ở đó chưa bắt đầu. Việt Nam khi đó đang cố gắng mở cửa, và mọi thứ mới chỉ mới ở bước sơ khai. Một nguyên nhân khác nữa là tôi lớn lên trong thời cao điểm của chiến tranh Việt Nam vào những năm 60. Năm lên 18, tôi thật may mắn là không bị trúng số rút thăm kêu đi nhập ngũ. Nếu không, chắc có lẽ tôi đã là một trong những người lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam lúc đó rồi.
Trà Mi: Có những kỷ niệm hoặc kinh nghiệm nào khó quên ông muốn chia sẻ với thính giả VOA về buổi ban đầu khi đặt chân tới Việt Nam 17 năm trước, khi ông là một trong những người gõ cửa đầu tiên vào nền kinh tế hậu chiến của Việt Nam?
Anthony Salzman: Ồ, có quá nhiều điều để chia sẻ đến nỗi tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhưng tôi nghĩ một trong những điều quan trọng nhất là lúc đó không có nơi tiêu khiển, giải trí. Hà Nội bấy giờ không có nhà hàng. Cho nên phần lớn thời gian, cả gia đình chúng tôi quây quần với nhau ở nhà và điều này rất có ích cho cô con gái của chúng tôi lúc đó mới lên 4.
Trà Mi: Ông có thể kể đôi chút về câu chuyện thành công của mình sau gần 20 năm có mặt tại Hà Nội và hiện đang là một trong những doanh nhân thành công nhất tại Việt Nam?
Anthony Salzman: Tôi nghĩ thành công là sự kết hợp giữa sự may mắn, tính nhẫn nại, bền chí, và khả năng nắm bắt cơ hội khi nó đến, nhưng chủ yếu là sự kiên trì. Có nhiều việc thật sự khó khăn. Các vấn đề liên quan đến đất đai là khó khăn nhất, nhưng chúng tôi vẫn cứ kiên trì phấn đấu, và kết quả là giờ đây, chúng tôi đã có được nhiều người kính trọng và công nhận sự đóng góp của chúng tôi. Đến Việt Nam vào thời điểm đó, chúng tôi xuất hiện trên mặt báo Tây phương khá nhiều, vì mọi người đều thắc mắc vì sao một gia đình doanh nhân thành công, giàu có tại Mỹ lại tới Hà Nội làm gì. Và những gì chúng tôi làm đã giúp chứng minh rằng Việt Nam có thể là một địa điểm mà người Mỹ có thể đặt chân tới và được hoan nghênh. Lúc đó, chúng tôi không hề biết trước được là mình có được hoan nghênh hay không. Chúng tôi thậm chí còn ngờ nghệch nghĩ rằng có thể dân chúng ở đây sẽ bắn chết chúng tôi nữa.
Trà Mi: Ngay buổi đầu tới Hà Nội ấy, ông có được hoan nghênh hay không?
Anthony Salzman: Có chứ, nhưng lúc đầu người ta nhìn chúng tôi bằng ánh mắt hiếu kỳ vì lúc bấy giờ rất ít người Tây phương ở đây, mà người Mỹ thì đặc biệt là hiếm. Nhưng tôi đã rất thận trọng khi trò chuyện hỏi thăm dân bản địa. Tôi không bao giờ hỏi họ nghĩ gì về người Mỹ, về cuộc chiến mà Mỹ tham dự, mà chỉ hỏi ý kiến của họ về hàng Mỹ và sự so sánh của họ với sản phẩm các nước khác. Và hầu hết mọi người đều trả lời là rất thích hàng hóa của Mỹ. Điều này có thể được hiểu là một sự đánh giá cao và trân trọng đối với Mỹ quốc. Tôi luôn tránh né các đề tài nhạy cảm chính trị.
Trà Mi: Còn bây giờ thì sao, thưa ông?
Anthony Salzman: Ồ, bây giờ tôi nghĩ không cần phải né tránh các đề tài đó. Tôi cho rằng quan trọng là tôi đã không tham chiến tại Việt Nam. Chúng tôi có rất nhiều bạn mà rất nhiều người làm việc trong chính phủ, đa số thế hệ trạc tuổi với tôi đều phải nhập ngũ, bị thương tật hay mất mát. Cho nên tôi luôn nghĩ rằng nếu tôi đã đi lính sang Việt Nam, tôi đã không thể nào và cũng không sẵn sàng sang đây sống. Tôi cho rằng mình đã may mắn, và tôi không muốn nói về chiến tranh.
Trà Mi: Một số người nhận xét rằng làm ăn tại Việt Nam đầy rủi ro và thách thức vì những cách biệt về mặt luật pháp và tình trạng tham nhũng. Nếu có người hỏi ông về bí quyết kinh doanh thành công tại Việt Nam, câu trả lời của ông dành cho họ ra sao?
Anthony Salzman: Tôi nghĩ Việt Nam là một nơi rất khó làm ăn. Sau một thời gian ở đây càng lâu, quen biết càng nhiều, thì đến một lúc nào đó sẽ bớt khó khăn. Cũng như mọi nước khác, Việt Nam có hệ thống riêng, luật lệ riêng. Cho nên nếu anh cố đem tiên liệu riêng của mình rằng mọi chuyện phải nên thế này thế khác dựa theo kinh nghiệm của một doanh gia từ Mỹ hay Châu Âu thì anh sẽ bị sốc mạnh và có thể là không thành công. Ngược lại, nếu anh có ý niệm rằng đến đây cần phải học hỏi, mình đến đây không hiểu một từ Việt Nam nào, chưa biết chút gì về cách làm ăn ở đây, và chịu bỏ thời gian học hỏi quan sát, thì đó là một phương cách hữu hiệu.
Trà Mi: Doanh nhân Mỹ có thể duy trì thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài khác tại Việt Nam bằng cách nào?
Anthony Salzman: Đa số các công ty đối thủ làm ăn nước ngoài tại Việt Nam đều rất lớn. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp lớn của Mỹ có thể làm ăn tốt. Các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ có thể cảm thấy khó khăn. Các doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng kinh tế quan trọng đối với Việt Nam nên họ có thể mặc cả các điều kiện ưu đãi về thuế, giá đất đai, và tiếng nói của họ dễ được lắng nghe. Điều này không có nghĩa là họ không gặp khó khăn, nhưng vì tầm quan trọng chiến lược của họ đối với lợi ích quốc gia của Việt Nam nên Việt Nam muốn bảo đảm rằng các công ty này làm ăn phát đạt để họ tiếp tục lưu lại đây kinh doanh và phát triển rộng.
Trà Mi: Là người được mệnh danh là “Đại sứ Doanh nghiệp”, theo ông, quan hệ ngoại giao tốt sẽ dẫn tới quan hệ thương mại tốt hay ngược lại?
Anthony Salzman: Tôi cho là ngược lại. Ví dụ như trường hợp của chúng tôi. Khi chúng tôi tới đây, lúc đó chẳng có quan hệ ngoại giao và quan hệ thương mại gì cả. Thế nhưng sau khi chúng tôi thành lập doanh nghiệp của mình hoàn toàn mang động cơ kinh doanh chứ không phải chính trị, với mong muốn về mối quan hệ thương mại, chúng tôi đã vận động chính phủ Hoa Kỳ tăng cường nỗ lực tạo điều kiện giao thương với Việt Nam, và kết quả là lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam được tháo dỡ. Việc gỡ bỏ cấm vận có thể được gọi là một động thái chính trị, nhưng yếu tố đưa tới điều này xuất phát từ mong muốn tăng cường mậu dịch. Sau khi Mỹ tháo dỡ cấm vận, mặc dù mối quan hệ song phương vẫn chưa bình thường hóa, đã xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh. Thương mại song phương bắt đầu phát triển và bắt đầu được chú ý nhiều hơn tại quốc hội Mỹ và ngay ở Việt Nam cũng bắt đầu nhận thấy tiềm năng to lớn trong các lợi ích tài chánh từ việc giao thương với Mỹ.
Trà Mi: Theo ông, việc giao thương tốt với Việt Nam liệu có bảo đảm một mối quan hệ hợp tác tốt trong các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, và chiến lược?
Anthony Salzman: Điều này phải đến từ hai phía, vì quyền lợi của cả song phương. Nếu mọi quyền lợi tập trung cho một bên thì sẽ không tiến xa được. Nếu thương mại song phương có thể phát triển thì mối quan hệ chính trị cải thiện là một điều song hành dĩ nhiên. Về quan hệ chiến lược, Hoa Kỳ đang tìm kiếm các đồng minh tại Châu Á, và tôi cho rằng Việt Nam là một đồng minh tự nhiên thôi vì Việt Nam có vị trí chiến lược về mặt địa lý, cộng với tinh thần dân tộc được biết đến là không ai có thể xâm chiếm được quốc gia này, Việt Nam có vai trò như người bảo vệ đối với nhiều nước tại Châu Á, và điều này nghĩa là có một mối quan hệ chiến lược Việt-Mỹ một cách tự nhiên, có thể phát triển, dĩ nhiên là nó phải được cân bằng trước mối quan hệ với Trung Quốc vì Việt Nam không thể làm Trung Quốc tức giận, và Hoa Kỳ cần phải cân bằng cách tiếp cận của mình.
Trà Mi: Theo nhận xét của ông, Trung Quốc và Hoa Kỳ, bên nào quan trọng hơn đối với Việt Nam?
Anthony Salzman: Không bên nào quan trọng hơn bên nào cả. Việt Nam hoàn toàn độc lập, họ phải, họ muốn, và họ sẽ giữ vị thế độc lập. Việt Nam không để cho nước nào hiếp đáp cả, và họ sẽ cố gắng hết sức để duy trì mối quan hệ kinh tế-thương mại hữu nghị với các nước.
Trà Mi: Năm nay kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ, và cũng đánh dấu 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung. Các con số này có cho thấy bang giao Việt-Trung mạnh và vững hơn nhiều so với quan hệ Việt-Mỹ? Ý kiến của ông ra sao?
Anthony Salzman: Tôi không cho yếu tố thời gian là một vấn đề quan trọng. Theo tôi, điều quan trọng nhất là các nước đang song hành với nhau như thế nào và những triển vọng ở phía trước. Hiện tại và tương lai quan trọng hơn nhiều so với quá khứ.
Trà Mi: Thưa “Đại sứ Doanh nghiệp Hoa Kỳ”, theo ông có những gì đôi bên cần thực hiện để giúp phát triển mối quan hệ song phương hay chăng?
Anthony Salzman: Ồ, có nhiều điều lắm chứ. Khó khăn nhất là sự giao tiếp trao đổi. Sự trao đổi không chỉ nằm ở mức độ ngôn ngữ mà là lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Tôi thấy ít người Mỹ làm ăn ở Việt Nam thật sự hiểu được văn hóa và tinh thần kinh doanh của Việt Nam một cách sâu sắc. Tôi nghĩ rằng người Mỹ thật sự cần lắng nghe, nghiên cứu, và cố tìm hiểu các quan niệm của người Việt Nam, nếu họ muốn làm ăn ở đây. Còn nếu người Việt Nam muốn làm ăn tại Mỹ thì cũng như thế. Cần phải hiểu rõ tinh thần, quan niệm, tạp quán, ngôn ngữ của bạn hàng của mình.
Trà Mi: Một trong những trở ngại chính được nhắc tới trong mối quan hệ Việt-Mỹ là thực trạng nhân quyền của Việt Nam. Giao thương Việt-Mỹ cũng thường được nhắc kèm với tình trạng nhân quyền Việt Nam. Là một doanh nhân Mỹ thành công tại Việt Nam, ông có suy nghĩ như thế nào?
Anthony Salzman: Tôi không thấy sự liên hệ và cho rằng không nên có sự liên hệ giữa đề tài nhân quyền của Việt Nam và việc Việt Nam nên làm gì để trở thành bạn hàng tốt đối với người Mỹ. Nếu Việt Nam muốn mở rộng giao thương với Mỹ, họ phải thực hiện một số điều. Nếu họ muốn bán hàng sang Mỹ, một là họ phải chờ người Mỹ đến mua hàng của mình hoặc họ phải học cách phân phối và bán hàng của mình sang Mỹ một cách hiệu quả. Nếu họ muốn kinh doanh tại Mỹ, họ phải tôn trọng các luật lệ của Mỹ. Nhân quyền là một trong những yếu tố quan trọng trong xã hội Hoa Kỳ, cho nên bất kỳ nước nào muốn làm ăn với Mỹ cần phải hiểu và tôn trọng. Có thể đồng ý hay không, nhưng anh phải hiểu đây là điều quan trọng đối với người Mỹ. Còn nhân quyền Việt Nam tốt hay xấu, theo tôi, đề tài này cần phải được đánh giá sâu sát hơn. Đôi khi người ta cho rằng nhân quyền Việt Nam tồi tệ, nhưng tôi đã ở đây khá lâu, và tôi không mấy bị thuyết phục trước quan điểm đó. Cũng có một số trường hợp cụ thể mà tôi ước gì nhà nước ở đây cư xử khác đi, nhưng nhìn chung, tôi không cho rằng đây là một chế độ áp bức. Bất cứ nhà nước nào cũng muốn bảo đảm sự ổn định của họ, và tôi nghĩ, chính quyền Việt Nam nhạy cảm trước các vấn đề mà họ có thể cho là đe dọa đối với an ninh. Cũng có thể là họ nhạy cảm quá mức, dẫn tới các hành động mà nhiều người không mong muốn. Nhưng tôi nghĩ vấn đề này cần được xem xét sâu sát hơn nữa so với cách nhìn của Hoa Kỳ hiện nay.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thương gia Salzman đã dành thời gian cho buổi nói chuyện này và xin chúc mừng ông vừa được chính phủ Việt Nam trao huân chương hữu nghị.
Vừa rồi là cuộc trao đổi với “Đại sứ Doanh nghiệp Hoa Kỳ” Anthony Salzman, người vừa nhận huân chương hữu nghị do Chủ tịch Nguyễn Minh Triết của Việt Nam trao tặng hôm 14/5 vừa qua, nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ.
Quý vị có thể nghe và xem lại cuộc phỏng vấn này cùng với các chương trình khác của Tạp chí Thanh Niên và để lại ý kiến bình luận trên trang web: www.voatiengviet.com.
Tạp chí Thanh Niên sẽ tái ngộ cùng quý vị trong một câu chuyện mới vào tuần sau.
Doanh nhân Mỹ Anthony D. Salzman vừa được chính phủ Việt Nam trao tặng huân chương hữu nghị, một trong những huân chương cao quý nhất ghi nhận sự đóng góp của nhân vật được mệnh danh là “Người Mỹ đầu tiên” giúp mở cửa thị trường Việt Nam trong nền kinh tế thời hậu chiến, người đồng sáng lập Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội. Năm 1993, một năm trước khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Hà Nội, “Đại sứ Doanh nghiệp” Salzman đã cùng vợ và cô con gái 4 tuổi đặt chân tới Hà Nội chỉ vài tuần sau khi Hoa Kỳ cho phép công dân Mỹ sang Việt Nam. Giờ đây, huân chương hữu nghị được trao tặng cho vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty kinh doanh thiết bị mỏ và xây dựng V-TRAC khi hai nước kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.