Việt Nam báo hiệu họ đang lên kế hoạch mua pháo tự hành Hanwha K9 của Hàn Quốc cho quân đội, một số trang tin nước ngoài bao gồm The EurAsian Times, Asian Military Review và Janes đưa tin trong mấy ngày gần đây.
Quyết định của Việt Nam chọn hệ thống vũ khí nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quốc gia này có tranh chấp nhiều năm về Biển Đông với Trung Quốc, The EurAsian Times nhận xét hôm 1/5.
The EurAsian Times, Asian Military Review và Janes dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến “bày tỏ ý định mua pháo K9” tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 11 ở Hà Nội hôm 23/4. Pháo sẽ được Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, “ông Chiến đã thẩm định các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc và bày tỏ ý định mở rộng hợp tác công nghiệp quốc phòng, bao gồm việc đưa các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc như pháo tự hành K9 [vào Quân đội Nhân dân Việt Nam] và đề nghị chính phủ Hàn Quốc hợp tác về việc này”.
Tuyên bố trên tiếp nối vào chuyến thăm cấp cao ở Hàn Quốc của Bộ Quốc phòng Việt Nam vào tháng 2/2023 do Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dẫn đầu.
The EurAsian Times, Asian Military Review và Janes tường thuật rằng khi đó, Tướng Giang và đoàn đã tham quan căn cứ của Quân đoàn cơ động số 7, Quân đội Hàn Quốc, và xem xét nhiều loại vũ khí, khí tài, bao gồm cả pháo tự hành K9.
K9 là pháo tự hành trên xe bánh xích, có cỡ nòng 155 mm, tầm bắn tối đa 30 km với đạn thường và lên tới 40 km khi sử dụng đạn tăng tầm. Pháo có hệ thống điều khiển bắn kỹ thuật số ưu việt có thể tính toán để giúp pháo thủ bắn chính xác 3 quả đạn vào một khu vực trong vòng 15 giây, theo tìm hiểu của VOA. Bản thân hệ thống này mang được 48 quả đạn 155 mm, chưa kể số lượng bổ sung chở trên xe tiếp đạn tự hành K10.
Đến nay, 8 nước đã mua pháo tự hành K9, trong đó có Ấn Độ và Ba Lan. Ấn Độ mua hệ thống này sau vụ xung đột với Trung Quốc hồi năm 2020 ở Ladakh, miền đông Ấn Độ. Ba Lan trở thành khách hàng tiếp theo vào tháng 7/2022. Đất nước châu Âu này được xem là đang đứng ở tiền tuyến đối đầu với Nga.
Liên quan đến kế hoạch của Việt Nam về mua pháo mới từ Hàn Quốc, Asian Military Review đăng bài hôm 29/4 nói rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam chủ trương bảo trì và thay thế một lượng lớn các vũ khí, khí tài cũ do Trung Quốc và Liên Xô sản xuất.
Kho vũ khí của quân đội Việt Nam cũng bao gồm các loại pháo M101 105mm và M1 và M114 155mm do Mỹ sản xuất mà Việt Nam thu được, bên cạnh đó là các loại pháo dã chiến M1955/D-20 152mm cũ kỹ của Liên Xô.
Quân đội Việt Nam cũng có các xe tăng chiến đấu chủ lực đời những năm 1970, như Type 59 do Trung Quốc sản xuất, T-54/55 và T-62 của Liên Xô.
Tuy nhiên, những xe tăng này ngày càng yếu thế trước các loại xe và vũ khí chống tăng hiện đại, vượt trội giờ đây đang hoạt động trong các lực lượng quân sự ở cùng khu vực và của Trung Quốc. Quân đội Việt Nam mới đây tiếp nhận 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S/SK của Nga.