Việt Nam muốn tăng gần gấp đôi số tỷ phú cho đến năm 2030

Tỷ phú Việt Nam Pham Nhat Vuong gặp gỡ tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani ở Gujarat

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu cho đến năm 2030 nước này sẽ có 10 tỷ phú đô la và 5 doanh nhân được thế giới công nhận thuộc hàng quyền lực nhất châu Á, theo một nghị quyết của chính phủ vừa được công bố hôm 9/5.

Nghị quyết này đặt ra chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, trang mạng ZNews cho biết.

Ngoài ra, đến năm 2045, nước này cũng đặt mục tiêu có các tập đoàn mang tính dẫn dắt chuỗi cung ứng giá trị công nghiệp và nông nghiệp toàn cầu, theo trang mạng VnExpress.

Việt Nam hiện nay có 6 tỷ phú đô la trong danh sách của Forbes năm 2024. Như vậy để đạt được mục tiêu này, trong vòng 6 năm nữa, Việt Nam phải có thêm 4 tỷ phú đô la nữa.

Tuy nhiên, con số tỷ phú này gần như không thay đổi gì trong những năm qua. Do đó, không rõ Việt Nam sẽ làm cách nào để có thêm 4 tỷ phú đô la trong vòng 6 năm nữa.

Nghị quyết của chính phủ cũng nêu ra phương cách để đạt được mục tiêu này, chẳng hạn như ‘nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước’, ZNews cho biết.

Ngoài ra, chính phủ sẽ nỗ lực hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp, cũng theo ZNews.

Một mục tiêu nữa mà chính phủ đề ra đến năm 2030 là Việt Nam sẽ có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế và số doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao sẽ tăng 10% mỗi năm.

Sáu tỷ phú Việt Nam hiện nay được Forbes công nhận gồm có Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Với khối tài sản ròng trị giá 4,4 tỷ theo ước tính của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam. Hãng xe hơi VinFast của ông hiện có tham vọng vươn ra góp mặt trên thị trường xe hơi điện thế giới, trong đó có thị trường Mỹ.

Từ một kinh tế tập trung bao cấp vốn coi giới chủ và doanh nhân là ‘thành phần bóc lột’, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế nhiều thành phần vốn dựa rất nhiều vào đội ngũ doanh nghiệp tư nhân góp phần tạo ra việc làm và tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hàng loạt doanh nhân sừng sỏ đã bị khởi tố, bắt giam về các tội như ‘Vi phạm về đấu thầu’, ‘Đưa hối lộ’, ‘Tham ô’, ‘Lừa đảo’…, trong đó có ông Trịnh Văn Quyết của tập đoàn FLC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn của Tập đoàn AIC, Bùi Anh Dũng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Trần Quý Thanh của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Phan Quốc Việt của Công ty Việt Á và mới đây nhất là Nguyễn Văn Hậu của Tập đoàn Phúc Sơn và Nguyễn Duy Hưng của Tập đoàn Thuận An.

Một số doanh nghiệp được cho là sân sau của các lãnh đạo cao cấp, chẳng hạn như vụ Phúc Sơn đã dẫn đến việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị mất chức, còn vụ tập đoàn Thuận An bị vỡ lở đã khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải ra đi.

Tuy nhiên, doanh nhân gây chấn động nhất là bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vốn cũng được cho là một tỷ phú đô la nhưng rất kín tiếng nên không có tên trong danh sách xếp hạng của Forbes. Bà Lan hôm 11/4 đã bị tuyên án tử hình trong vụ án rút ruột ngân hàng SCB gây thiệt hại đến 27 tỷ đô la. Liên quan đến Vạn Thịnh Phát, hôm 8/5, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đã bị đề nghị kỷ luật về mặt Đảng.