Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 12/1 khai trương trung tâm chống tin giả trong nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi “tin xấu độc” chỉ chưa đầy hai tuần trước khi diễn ra Đại hội 13 của Đảng Cộng sản.
Cổng thông tin “tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả” được Bộ TT&TT chính thức ra mắt sáng ngày 12/1 tại Hà Nội với chức năng “tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức và cá nhân.”
Theo Bộ TT&TT, đây đồng thời là cổng thông tin chính thức công bố tin giả bằng hình thức “dán nhãn tin giả, tin sai sự thật” và công bố “tin xác thực.” Bộ này cũng kêu gọi cá nhân và tổ chức “phản ánh về tin giả” qua một số điện thoại qua tổng đài Viettel của quân đội để được hướng dẫn cách gửi thông tin.
Theo quan sát của VOA, “Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam” tại địa chỉ tingia.gov.vn có 4 chuyên mục, trong đó gồm “công bố tin giả” cho những tin được coi là “sai sự thật”, và “cảnh báo” về hệ luỵ của việc lan truyền “tin giả mạo.”
Một trong những trang tin bị dán nhãn “tin sai sự thật” được công bố trên trang tin này là một fanpage trên mạng Facebook khi đăng tải thông tin về việc “công an đánh và tạm giữ 2 phóng viên ở Bình Dương.”
Trong khi đó, trang tin mới của Bộ TT&TT cảnh báo rằng “bịa đặt hoặc lan truyền biết rõ là sai sự thật có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm theo điều 156 của Bộ luật Hình sự.”
Chính phủ Việt Nam hồi năm ngoái đã phát động một chiến dịch chống tin tức “sai sự thật” và bắt giữ hàng trăm người vì đưa tin “giả mạo” liên quan đến dịch COVID-19 lên mạng xã hội. Truyền thông trong nước cho biết, những người tung tin “sai sự thật, câu like, câu view trên các trang mạng xã hội liên quan đến phòng chống dịch COVID-19” sẽ bị khởi tố hình sự.
Theo Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền cho biết vào năm ngoái, hơn 650 người dùng mạng Facebook tại Việt Nam bị triệu tập và tra khảo về các bài viết của họ về dịch COVID-19 và hơn 150 người bị phạt tiền tới 15 triệu đồng vì những đăng tải bị coi là “không đúng sự thật.”
Việt Nam trong những tháng gần đây cũng tăng cường việc “phòng chống tin giả” và ngăn chặn “tin xấu độc” trước thềm Đại hội Đảng 13 dự kiến khai mạc ngày 25/1 và kéo dài tới 2/2.
Tại một Hội nghị Cán bộ toàn quốc Tổng kết Công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp diễn ra vào tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết “các thế lực thù địch đã gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ trên không gian mạng.” Theo cơ quan chức năng, 80% tổng số thông tin “xấu độc” tập trung chủ yếu vào “xuyên tạc, bôi nhọ” công tác cán bộ Đại hội Đảng.
Lãnh đạo chính phủ gần đây cũng kêu gọi người dân cảnh giác trước các thông tin xấu độc trước thềm Đại hội Đảng 13 và yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện những giải pháp quyết liệt để không để “các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc chống phá” bằng tin tức “xấu độc” và “giả mạo.”
Một nghị định chính phủ có hiệu lực vào giữa tháng 4 năm ngoái phạt những người “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo” hoặc “sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, bịa đặt” với mức phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng.
Luật An ninh mạng gây tranh cãi của Việt Nam, bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, cũng được chính phủ vận dụng để kiểm soát thông tin được cho là “sai sự thật” và “chống phá nhà nước” trên mạng internet cũng như trừng phạt và kết án những người bị kết tội liên quan đến việc lan truyền tin “giả mạo.”