Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Việt Nam vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị bằng các kìm hãm quyền tự do ngôn luận sau khi các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập bị chính quyền kết án hàng chục năm tù trong một phiên toà bị quốc tế lên án là “thiếu công bằng.”
Người phát ngôn của Cao uỷ LHQ về Nhân quyền (OHCHR), Ravina Shamdasani, hôm 8/12 nói rằng việc ba nhà báo độc lập của Việt Nam nhận các bản án tù từ 11 đến 15 năm sau khi bị cáo buộc các tội danh liên quan đến an ninh quốc gia là một “diễn biến đáng lo ngại dường như là một phần của sự đàn áp ngày càng tăng về tự do biểu đạt ở đất nước này.”
Các thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) bị kết án tổng cộng 37 năm tù tại một phiên toà diễn ra hôm 5/1, trong đó Chủ tịch và người sáng lập Phạm Chí Dũng – cũng là một cộng tác viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) – nhận bản án 15 năm tù, trong khi hai thành viên còn lại của hội – Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn – mỗi người nhận bản án 11 năm tù. Họ bị cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo người phát ngôn của OHCHR nói tại buổi họp báo ở Geneva, Thuỵ Sỹ, hôm 8/1, các nhà báo của IJAVN đã bị “giam giữ trong thời gian dài trước khi xét xử” và có những lo ngại “nghiêm trọng” về quyền được xét xử công bằng của họ không được tôn trọng ở Việt Nam.
Cơ quan của LHQ lo ngại về việc sử dụng “những điều luật được định nghĩa mơ hồ” ở Việt Nam để “giam giữ một các tuỳ tiện ngày càng nhiều các nhà báo, blogger, những người đưa ra ý kiến bình luận và những người bảo vệ nhân quyền.” OHCHR cho rằng việc này vi phạm Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) về quyền được có quan điểm và tự do biểu đạt, và rằng các bản án dành cho các nhà báo độc lập vừa qua là ví dụ mới nhất về sự xói mòn thêm quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam coi hoạt động của Hội Nhà báo Độc lập là nhằm “tuyên truyền nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam” và do đó được coi là “hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây phương hại đến an ninh quốc gia,” theo báo Công an Nhân dân.
Ngay sau phiên toà xét xử ba nhà báo của IJAVN, Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu đã bày tỏ “thất vọng” về bản án mà họ gọi là “khắc nghiệt” và “một diễn biến tiêu cực” đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt, cũng như kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức thả tự do cho các nhà báo này.
Trước đó Tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) cho VOA biết rằng họ “thực sự kinh hãi trước những bản án rất nặng nề” tuyên cho các nhà báo của IJAVN. Trong khi đó Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói rằng bản án này cho thấy sự khinh thường của chính phủ Việt Nam đối với truyền thông tự do, đặc biệt trước thềm Đại hội Đảng 13, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này.
Người phát ngôn của OHCHR hôm 8/1 cũng bày tỏ lo ngại rằng những các nhân ở Việt Nam tìm cách hợp tác với các cơ quan nhân quyền của LHQ sẽ bị “đe doạ và trả thù”. Bà Shamdasani nói rằng điều đó ngăn cản họ hợp tác với LHQ và chia sẻ thông tin về các vấn đề nhân quyền một cách hiệu quả.
“Giờ đây, các hình thức trả thù và đe dọa mà họ phải đối mặt có thể bao gồm quấy rối, cấm đi lại, mất việc làm, tấn công thân thể cũng như bắt giữ, giam giữ và tra tấn tùy tiện,” bà Shamdasani nói. “Vì vậy, điều rất quan trọng là chúng tôi phải gửi báo động về điều này.”
Người phát ngôn cho biết văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc tiếp tục nêu ra những trường hợp đó với chính phủ Việt Nam và kêu gọi họ ngừng kết tội hình sự những người thể hiện quyền tự do ngôn luận. Cơ quan này kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho những ai bị giam giữ trong các trường hợp như vậy.