Một giới chức trong nước cho biết Hà Nội sẽ dùng chiếc tàu kiểm ngư đã qua sử dụng mà Tokyo mới tặng để “giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển”.
Ngày 5/8 vừa qua, Nhật Bản đã chính thức bàn giao tàu Hayato cho đội kiểm ngư Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại thành phố Hải Phòng.
Ông Nagai Katsuro, Công sứ Kinh tế Đại sứ quán Nhật Bản, đã tham dự lễ bàn giao cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cùng các cán bộ có liên quan.
Dự án bao gồm 6 tàu được Chính phủ Nhật Bản viện trợ cho Chính phủ Việt Nam trong chương trình Viện trợ không hoàn lại phi dự án năm tài khóa 2014 và Hayato là một trong số đó.
Công sứ Nagai nói: “Dự án với mục đích đẩy mạnh cơ chế giám sát nhằm tuân thủ luật pháp trên biển, trên lãnh hải Việt Nam thông qua việc dùng các tàu đã qua sử dụng của Nhật Bản hỗ trợ cho đội kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam. Thủ tướng của hai bên cũng đã nhất trí hợp tác này. Dự án góp phần to lớn trong việc đảm bảo “pháp quyền” trên vùng biển và Nhật Bản mong rằng Việt Nam sẽ sử dụng hiệu quả những con tàu này”.
Tàu Hayato sản xuất hồi những năm 90 ở Nhật Bản được coi là một trong các tàu hiện đại nhất của lực lượng kiểm ngư Việt Nam hiện nay.
Tàu dài hơn 56 mét với khả năng hoạt động liên tục trên biển 2 tháng mà không cần tiếp nhiên liệu này đã được sửa chữa lại trước khi bàn giao cho Việt Nam.
Trao đổi với VOA Việt ngữ về con tàu, ông Võ Văn Trác, Phó chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, cho biết: “Về vấn đề bảo vệ ngư dân thì rõ ràng là quá tốt rồi. Cái tàu này hiện đại, có nhiều phương tiện để mà giúp cho ngư dân yên tâm ra khơi bám biển, để mà khai thác, đồng thời bảo vệ chủ quyền của biển đảo nữa”.
Ông Trác cũng cho biết, để sử dụng hiệu quả con tàu cần phải có thời gian để nắm được chức năng của con tàu, phải huấn luyện, thông qua thực tiễn và từ đó rút kinh nghiệm. “Đặc biệt, phải tuyên truyền, huấn luyện cho ngư dân biết các chức năng của tàu để từ đó phối hợp với các lực lượng khác”, ông nói.
'Mưu đồ'
Liên quan tới hành động cấm đánh bắt cá kéo dài nhiều tháng trên biển Đông của Trung Quốc, và sau đó là việc dỡ bỏ lệnh cấm này mới đây, ông Võ Văn Trác nói: “Cái lệnh cấm bắt chỉ là một nguyên nhân, nguyên cớ thôi. Mưu đồ của Trung Quốc là nhiều việc chứ không chỉ việc này. Mưu đồ chính là họ muốn chiếm cái Biển Đông và để thực hiện cái gọi là lưỡi bò ấy để liếm cái Biển Đông này”.
Việc người ta có cấm đánh bắt rồi người ta thôi lệnh cấm bắt chỉ là một cái cụ thể, nhưng mà phải nắm rõ trong đó là cái mưu đồ muốn chiếm cái Biển Đông. Trong đó rất quan trọng là biển đảo của mình, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác nói.
“Việc người ta có cấm đánh bắt rồi người ta thôi lệnh cấm bắt chỉ là một cái cụ thể, nhưng mà phải nắm rõ trong đó là cái mưu đồ muốn chiếm cái Biển Đông. Trong đó rất quan trọng là biển đảo của mình, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Trác nói thêm.
Trước đó, Việt Nam cũng đã nhận được một tàu tuần duyên do Nhật Bản tặng hồi tháng 2 năm nay.
Con tàu, từng có tên là Syokaku và được đổi thành CSB 6001, là chiếc tàu đầu tiên trong số ba tàu đã qua sử dụng mà chính quyền Tokyo đã hứa tặng cho Việt Nam để nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam.
Trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông, ngoài Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đã hứa hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam.
Washington từng cho biết Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho Việt Nam một khoản trị giá 18 triệu đôla cũng như giúp huấn luyện và cấp 5 tàu tuần duyên mà Mỹ đã “ngưng sử dụng” cho Việt Nam.