Văn hóa Facebook: Mạng lưới kết bạn mới

Cách đây mấy năm, một số sinh viên của tôi rủ rê: “Thầy vào facebook đi để bọn em dễ nói chuyện, thầy!”. Tôi ngần ngừ: “Tôi dốt về kỹ thuật lắm!” Họ động viên: “Dễ ợt mà thầy! Để bọn em chỉ cho.” Thế là chỉ mấy phút sau, trong danh sách mấy trăm triệu “Facebook users” trên thế giới, có thêm tên của tôi.

Thú thực, đến nay, trong thế giới facebook, tôi không phải là một thành viên tích cực. Tôi chẳng đăng bất cứ lời nhắn hay gửi bất cứ một bức ảnh nào trên đó cả. Chỉ lâu lâu, hoạ hoằn lắm, vài ba tuần một lần, tôi mới vào “dòm” thiên hạ tám chuyện với nhau. Tuy nhiên, từ đó, tôi học được khá nhiều điều bất ngờ.

Trước hết, thoạt đầu, tôi cứ tưởng vào facebook là chỉ để nói chuyện với đám sinh viên. Không ngờ người ngoài cũng biết. Chỉ một, hai ngày sau khi tôi đang ký vào facebook, tôi nhận được email của một người bạn làm thơ ở xa: “Trời, không ngờ anh cũng có facebook. Đúng là chuyện động trời!” Một người bạn khác email diễu: “Hồi xuân hả?”

Từ đó, ai hỏi đến chuyện facebook, tôi cũng đều có chút ngượng nghịu. Gần đây, tôi mới phát hiện là thành kiến cho facebook chỉ là mạng lưới kết bạn của bọn nhí là không đúng sự thật. Thực tế, càng ngày càng có nhiều người lớn tuổi tham gia vào mạng lưới xã hội này.

Nhưng, trước hết, nên lưu ý một điểm: Nếu blog là hiện tượng nổi bật nhất trong lãnh vực truyền thông thì facebook chắc chắn là hiện tượng nổi bật nhất trong mạng lưới xã hội trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ này.

Xin nêu vài con số để chứng minh: Theo thống kê mới nhất, vào ngày 22 tháng 7 vừa qua, con số thành viên tham gia facebook đã lên đến con số 500 triệu, nghĩa là, tính trung bình, trên thế giới cứ 14 người thì có một người tham gia vào mạng lưới xã hội này. Nên nhớ mấy tháng trước đó, con số này chỉ mới khoảng 400 triệu; 15 tháng trước đó nữa, chỉ mới có 200 triệu. Sự phát triển của facebook nhanh đến độ nhiều người than là “phát chóng mặt”. Nó chiếm 20% tổng số những người sử dụng internet và tăng trung bình 5% mỗi tháng.

Trên facebook, mỗi tháng người ta đăng tải và chia sẻ với bạn bè ba tỉ bức ảnh, năm tỉ mẩu tin hay lời nhắn; mỗi người trung bình có 130 người bạn; họ gửi lời đề nghị kết bạn mỗi tháng khoảng 8 lần; bỏ ra ít nhất 55 phút mỗi ngày để đọc và viết trên facebook.

Thoạt đầu facebook được xem là trò chơi của giới thanh thiếu niên, của các học sinh trung học. Tuy nhiên, càng ngày nó càng quyến rũ những người lớn tuổi hơn. Riêng tại Mỹ, vào mấy tháng đầu năm 2009, số người sử dụng facebook trên 35 tuổi tăng gấp đôi, trong đó nhiều nhất là các phụ nữ trên 55 tuổi: ở Mỹ mỗi tháng có gấn một triệu ruỡi người thuộc lứa tuổi này đăng ký vào facebook. Do sự nhảy vọt ấy, sự phân bố về tuổi tác của những người sử dụng facebook thay đổi đáng kể. Theo bảng đồ biểu dưới đây, tại Mỹ hiện nay, số người sử dụng facebook ở lứa tuổi từ 13 đến 17 là 6 triệu; ở lứa tuổi 18-25 là 19.5 triệu; ở lứa tuổi 26-34 là 13.4 triệu; ở lứa tuổi 35-44 là 9.7 triệu; ở lứa tuổi 45-54 là 4.6 triệu; ở lứa tuổi trên 55 là 2.8 triệu. Như vậy số người từ 26 đến 44 tuổi sử dụng facebook nhiều hơn hẳn lứa từ 18 đến 25

Văn hóa Facebook: Mạng lưới kết bạn mới

Văn hóa Facebook: Mạng lưới kết bạn mới

http://www.insidefacebook.com/2009/03/25/number-of-us-facebook-users-over-35-nearly-doubles-in-last-60-days/

Các quốc gia có nhiều người sử dụng facebook nhất theo thứ tự là:

Mỹ: 102.6 triệu
Thổ Nhĩ Kỳ: 16.9 triệu
Indonesia: 15.3 triệu
Ý: 13.5 triệu
Philippines: 8.8 triệu
Tây Ban Nha: 7.8 triệu
Argentina: 7.5 triệu
Mexico: 6.6 triệu
Ấn Độ: 5.6 triệu
Malaysia: 4.2 triệu

http://techcrunchies.com/number-of-facebook-users-by-country/

Trong danh sách ở trên, tôi không thấy có tên nước Úc, nhưng đọc bài “Aussie love affair with the web leads to info overload” của Jennifer Dudley-Nicholson trên News Limited newspapers ngày 24 tháng 3, 2010, tôi thấy Úc được xem là một trong 20 quốc gia sử dụng internet nhiều nhất và là một trong mười quốc gia đứng đầu thế giới về việc tham gia vào mạng lưới kết bạn facebook. Cụ thể hơn: trong mười người Úc thì có ba người sử dụng facebook, hai người sử dụng Twitter và một người sử dụng MySpace. Tính trung bình, hằng tuần mỗi người Úc bỏ ra hai ngày làm việc (“working day”, khoảng 17.6 tiếng) la cà trên internet; với giới trẻ, con số này còn cao hơn: khoảng 22 tiếng mỗi tuần.

Một câu hỏi có thể đặt ra là: Tại sao người ta lại mê Facebook như vậy?

Trong bài “Why India Loves Facebook”, Tunku Varadarajan dẫn một ý kiến của Scree Screenivasan, trong đó Screenivasan nêu lên hai lý do chính: Thứ nhất, ai cũng thích tán chuyện; và thứ hai, ai cũng thích dí mũi vào chuyện của người khác.

Nói cách khác, Facebook là một cách buôn dưa lê trên mạng.

Mà thật, chỉ cần liếc mắt trên các trang facebook, chúng ta cũng có thể thấy ngay được điều đó. Một người trằn trọc không ngủ được bèn ngồi dậy, gõ mấy chữ gửi bạn bè: “Hơn 2 giờ sáng rồi mà vẫn không ngủ được. Mệt quá!”. Một người khác: “Mới đọc được bài này thích quá!” Rồi kèm theo cái link. Một người khác nữa: “Hôm qua ăn tô bún bò ở tiệm…. thật ngon!”. Một người khác nữa nữa: “Sáng dậy tự nhiên thấy thèm giai quá. Hehe!”

Vậy đó. Rồi bạn bè ở khắp nơi xúm vào bàn tán rối rít. “Thèm giai hả? Thiếu giống gì!” “Ủa, sao tự nhiên lãng mạn gớm!” “Tui đây nè! Haha!” v.v… và v.v…

Cũng nên bàn một chút về cái gọi là bạn bè trên facebook.

Trước hết là về số lượng. Xưa, cả đời có được năm bảy người bạn là đã mừng húm. Có người, kém may mắn hơn, đến già vẫn không tìm được một người bạn thân. Bạn, thường là bạn học, hàng xóm, đồng nghiệp; có khi chỉ để nói chuyện tào lao chứ không bao giờ có thể tâm sự được những chuyện riêng tư và thầm kín. Còn bây giờ, trên facebook, nhiều người có đến năm bảy trăm người “bạn”. Thảng hoặc cũng có tình trạng lên đến vài ngàn. Còn bình thường thì vài ba trăm; ít lắm cũng năm bảy chục. Nghe thế, tôi đoán, những người lớn tuổi, xa lạ với văn hoá facebook, sẽ trố mắt: “Trời, bạn đâu mà lắm thế?”

Nói đến số lượng, không thể không bàn đến khía cạnh thứ hai: cách thức kết bạn. Xưa, chuyện kết bạn bao giờ cũng ngẫu nhiên và gắn liền với một không gian nào đó. Vào một lớp học mới, ngồi cạnh ai đó, thoạt đầu rụt rè nói chuyện vài câu, sau, hợp dần, thành bạn. Nhận nhiệm sở mới, thoạt đầu ngượng nghịu chào hỏi đồng nghiệp cùng phòng; trưa, rủ đi ăn chung, sau, thấy hợp, thành bạn. Bây giờ, trên facebook, thì khác. Người ta tự động mời làm bạn. Thích ai, người ta liền gửi lời yêu cầu kết bạn. Lời yêu cầu ấy sẽ chạy thẳng đến email của người ấy. Và người ấy sẽ có hai lựa chọn: Đồng ý hay từ chối. Nếu đồng ý, chỉ cầm bấm nút, trong tích tắc, người ta trở thành “bạn” của nhau, từ đó, có quyền nhìn ngắm hình ảnh của nhau, nghe tâm tình của nhau, tham gia tám chuyện với nhau.

Người ta không những mời, đồng ý hay từ chối lời mời, kết bạn mà, trên facebook, người ta còn loại trừ bạn nữa. Chuyện trò, tâm sự và khoe khoang hình ảnh với nhau chán, một lúc nào đó, người ta, có thể trong một cơn buồn tình, “delete” một số bạn. Những người bị “delete” không còn được coi là bạn nữa.

Ngoài số lượng, bạn bè trên facebook cũng khác trước về nhiều thứ khác. Trước, trong xã hội nông nghiệp, tình bạn chủ yếu gắn liền với yếu tố địa lý: bạn, thường là bạn láng giềng hay bạn đồng hương. Sau, như là hậu quả của quá trình kỹ nghệ hoá và đô thị hoá, tình bạn được xây dựng trên một cơ sở khác: tình đồng nghiệp. Bây giờ, trên facebook, nổi lên một yếu tố chung khác: sở thích. Cùng sở thích, người ta mời làm bạn với nhau, bất kể nơi sinh sống hay nghề nghiệp. Xưa, sở thích thường có tính cá nhân; nay, nó trở thành yếu tố nối kết xã hội.

Chính vì dựa trên sở thích, facebook được giới làm chính trị quan tâm: nó trở thành một thứ vũ khí trong các cuộc tranh cử hay tranh giành quyền lực.

Tuy nhiên, chuyện đó thì dài quá.

Để sau tính.