Danh hiệu thường gắn liền với chức vụ; chức vụ thường gắn liền với nghề nghiệp; nghề nghiệp thường có thời gian tính nhất định. Bởi vậy danh hiệu, điều làm nên thế giá của con người trong xã hội, thường là một cái gì khá ngắn ngủi. Ông tổng thống, xong nhiệm kỳ, trở thành cựu tổng thống; chết đi, thành cố tổng thống. Ngay hoàng đế cũng vậy. Khi thoái ngôi thì thành cựu hoàng; khi băng hà thì thành cố hoàng đế (con cháu sẽ gọi là tiên đế).
Nguyên tắc ở đây là: những danh hiệu gắn liền với chức vụ hay nghề nghiệp chỉ có thể tồn tại cùng với chức vụ hay nghề nghiệp ấy. Nghĩa là khi người ta rời chức vụ hay bỏ nghề, danh hiệu sẽ biến mất. Ở các nước Tây phương, một người được phong chức giáo sư chỉ tự xưng là “giáo sư” khi còn tại chức. Khi về hưu, người ta chỉ tự xưng là tiến sĩ hay cựu giáo sư ở trường nào đó.
Ngoài nghề nghiệp, có loại danh hiệu gắn liền với sự nghiệp. Sự nghiệp thường gắn liền với nghề nghiệp nhưng, thứ nhất, không phải sự nghiệp nào cũng bị trói buộc vào nghề nghiệp; và thứ hai, không phải nghề nghiệp nào cũng có thể được xem là một sự nghiệp. Với một bác sĩ suốt đời chỉ quanh quẩn làm việc trong bệnh viện hay trong phòng mạch tư để kiếm sống, y khoa là một nghề nghiệp. Với một bác sĩ lăn xả vào các hoạt động từ thiện ở các vùng đất heo hút với những người dân nghèo đói và bệnh tật, đó là một sự nghiệp. Với những bác sĩ say mê nghiên cứu, mang lại nhiều phát minh có giá trị khoa học cao và giúp ích nhiều cho nhân loại, đó cũng là một sự nghiệp.
Như vậy, sự nghiệp là những gì vừa có ý nghĩa xã hội vừa có ý nghĩa lịch sử. Những danh hiệu gắn liền với sự nghiệp theo nghĩa này, thường vượt qua thời gian tính. Năm 1945, khi về hưu, Albert Einstein chỉ còn là cựu giáo sư của trường đại học Princeton. Nhưng đến khi qua đời, ông vẫn là một nhà bác học. Thậm chí, khi qua đời rồi, ông cũng vẫn là một nhà bác học: sự nghiệp khoa học của ông có ý nghĩa vĩnh cửu, danh hiệu nhà bác học cũng gắn liền với tên tuổi của ông mãi mãi.
Với những người cầm bút, văn học có thể là một nghề nghiệp, nhưng nhiều hơn, là một sự nghiệp. Bởi vậy, danh hiệu nhà văn hay nhà thơ không có thời gian tính. Nó không cần gắn liền với chữ “cựu” khi người ta về hưu; cũng không cần gắn liền với chữ “cố” khi người ta qua đời. Nguyễn Du vĩnh viễn là một nhà thơ. Không “cựu” không “cố” gì cả. Nguyễn Tuân vĩnh viễn là một nhà văn. Cũng không “cựu” không “cố” gì cả. Người ta là một nhà văn hay nhà thơ một lần cho cả đời. Thậm chí, cho cả ngàn đời. Bao giờ tác phẩm họ còn tồn tại, họ vẫn còn là nhà văn và nhà thơ.
Vâng, bao giờ tác phẩm của họ còn…
Danh hiệu nhà văn hay nhà thơ không gắn liền với nghề cầm bút mà chủ yếu gắn liền với sự nghiệp văn học. Sự nghiệp văn học được làm nên bởi tác phẩm. Chỉ bởi tác phẩm. Do đó, tác phẩm còn thì sự nghiệp họ còn; sự nghiệp họ còn thì danh hiệu nhà văn hay nhà thơ của họ còn.
Nhưng lỡ tác phẩm của họ không còn thì sao? Lỡ tác phẩm của họ, in xong, rơi tuột ngay vào quên lãng, không ai nhớ và cũng không thực sự có đóng góp đáng kể nào vào kho tàng văn học của dân tộc thì sao?
Thì họ không còn là nhà thơ hay nhà văn nữa. Chứ sao?
Nói cho đúng, những người ấy cũng chưa bao giờ thực sự là nhà thơ hay nhà văn. Họ bị gán oan cho cái danh hiệu nhà thơ và nhà văn. Họ tự nhận nhầm là nhà thơ và nhà văn.
Họ là những kẻ xài hộ chiếu giả trong thế giới văn học.
Bạn nghĩ xem, những kẻ xài hộ chiếu giả như thế có nhiều không?