Đường dẫn truy cập

Của chó và người


Của chó và người
Của chó và người

Người Việt Nam thường nuôi chó nhưng chắc chắn không phải là một dân tộc yêu chó. Xưa, người ta nuôi chó chủ yếu để giữ nhà, để thanh toán mấy thứ chất thải của trẻ nhỏ và để làm thịt. Không ai có thói quen ôm và nựng chó, coi chó như là bạn. Hơn nữa, người ta còn khinh và ghét chó. Ca dao và tục ngữ Việt Nam, khi nhắc đến chó, thường có ý nghĩa khá tiêu cực. Chửi nhau, không có gì nặng nề hơn chữ “Đồ chó”. Chả thế mà Cao Bá Quát, theo một giai thoại, đã dùng chữ chó để chửi vua quan đương thời trong một tờ khai viết theo lệnh của Tự Đức:

Tiền thần bất tri
Hậu thần bất tri
Trung gian thần tri
Đản kiến:
Thượng bàn hô cẩu!
Hạ bàn hô cẩu!
Thượng hạ giai cẩu.
Lưỡng tương đấu ẩu
Thần gián bất đắc
Thần kiến thế nguy
Thần hoảng thần tẩu.
(Dịch nghĩa: Thần không biết trước thế nào; Thần không biết sau thế nào. Thần đến giữa chừng và thấy: Bàn trên hô: "Chó!"; bàn dưới cũng hô: "Chó!" Trên dưới đều chó. Rồi hai bên đánh nhau. Thần can không được. Thần thấy thế nguy, thần hoảng thần chạy.)

Nghe kể, đọc đến câu “Thượng hạ giai cẩu” (Trên dưới đều là chó), Tự Đức biết ngay Cao Bá Quát mượn chuyện ẩu đả giữa đám quan lại để chửi mình nhưng ông cũng không làm gì được bởi, về ý và về lý, Cao Bá Quát chỉ kể sự thực.

Việc dùng chó để ám chỉ người trong giai thoại trên rất phổ biến ở Việt Nam. Trong văn học, hiếm có người nào viết về chó chỉ vì chó. Người ta chỉ mượn chó để nói về người. Chửi thói ăn dơ của lũ quan tham: người ta làm thơ vịnh chó (ví dụ bài “Chó chết trôi” của Nguyễn Văn Lạc). Đề cao lòng trung thành: người ta nhắc đến chó (ví dụ bài “Con chó già” của Huỳnh Mẫn Đạt). Phan Bội Châu, trong những ngày bị an trí ở Huế, thậm chí còn dựng bia trước mộ hai con chó, Vá và Ky, của ông. Ông hết sức đề cao những đức tính quý báu của chó: ở con Vá, trung và dũng; ở con Ky, nhân và trí. Khi đề cao chó, ông không quên “đá” người, nhất là những kẻ “mặt người lòng thú”, về tư cách, không bằng cả chó. Nam Cao, trong nhiều truyện ngắn, nhắc đến chó, chủ yếu để cực tả cái nghèo cái khổ; Kim Lân, trong “Con chó xấu xí” nói về cái tình của chó, qua đó, có lẽ, nói đến cái tình của những người hạ tiện và khốn cùng, cũng như những cái đẹp tiềm tàng trong những hình thức kém thẩm mỹ; Ngô Tất Tố, trong truyện “Tắt đèn” và Nguyễn Công Hoan, trong truyện ngắn “Răng con chó của nhà tư sản”, đều dùng chó để nói lên sự bất nhân của bọn giàu có và hãnh tiến. Hình ảnh con chó, như vậy, trước, mang màu sắc đạo đức; sau, mang màu sắc giai cấp. Dường như không ai nói về tính giai cấp qua hình ảnh con chó gọn và rõ cho bằng Võ Liêm Sơn, trong bài “Thăm bạn”:

Lâu ngày đi thăm bạn
Đến ngõ chó tuôn ra
Những con to và béo
Tiếng sủa như đồng loa
Thấy chó biết nhà chủ
Làm ăn rày khá mà.
Thôi thế, cũng là đủ
Bất tất phải vào nhà.

Những con chó “to và béo” ấy tưởng đã biến mất với sự phá sản của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, không ngờ, lại sống dậy trong thời tàn của chủ nghĩa xã hội. Cùng với sự phát triển của kinh tế và sự xuất hiện của tầng lớp “quý tộc” mới, con chó cũng được thăng cấp và hoá thân. Từ một con vật chuyên ăn bẩn, sủa bậy và cắn càn, nó trở thành bạn, thậm chí, bạn quý của con người. Từ chỗ bị khinh miệt, nó được nâng niu, yêu mến. Nghe nói ở Việt Nam bây giờ có cả khách sạn chó, bệnh viện chó và cả nghĩa trang chó. Nhiều người trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh các dịch vụ liên quan đến chó.

Kể ra, như vậy cũng phải. Cái gọi là lòng nhân đạo không nên chỉ giới hạn ở người mà còn cần được mở rộng đến loài vật, nhất là các loài vật gần gũi với con người. Trong các động vật gần gũi với con người, không có động vật nào thông minh và có tình như là chó. Ở Tây phương, người ta xem mức độ thân thiện đối với súc vật như dấu chỉ của văn minh.

Việc nhiều người Việt Nam, gần đây, thích nuôi chó, quý chó và cưng chó là điều đáng mừng và rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, bên cạnh hiện tượng tích cực ấy lại xuất hiện hai điều đáng tiếc và rất đàng bàn.

Thứ nhất, nạn bắt trộm chó. Thật ra, việc bắt trộm chó có lẽ đã có từ lâu. Nhưng dường như chưa bao giờ nó lại hoành hành như bây giờ. Hoành hành đến độ người ta gọi là “cẩu tặc” (cũng giống như hải tặc, lâm tặc, tin tặc, đinh tặc – những kẻ rải đinh xuống đường, cát tặc – ăn cắp cát để xây nhà!). Khi “tác nghiệp”, những người bắt trộm chó thường đi từng cặp, trên những chiếc xe gắn máy có phân khối lớn. Khi thấy chó, họ phóng xe ngang qua, người ngồi sau tung dây thòng lọng siết cổ chó và lôi đi. Được một quãng, họ dừng xe, bắt và nhét chó vào bao bố rồi lại phóng xe đi tiếp. Nhiều lúc họ bắt chó ngay trước mắt chủ nhân mà chủ nhân của con chó cũng đành bất lực đứng nhìn, không làm gì được. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Chủ nhân chưa hết sững sờ, những kẻ ăn trộm chó đã biến mất.

Người ta làm gì với những con chó bị bắt trộm ấy? Dĩ nhiên là bán. Địa điểm cuối cùng chúng đến là các quán thịt cầy thơm lừng mùi riềng nằm rải rác khắp mọi miền đất nước.

Thứ hai, hiện tượng tàn sát những kẻ ăn trộm chó. Tin mới nhất, được tường thuật trên báo chí trong nước: chiều ngày 29 tháng 8 tại xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, dân chúng phát hiện hai người ăn trộm chó. Người ta rượt theo. Hai tên trộm bỏ chó chạy lấy người. Nhưng cuối cùng họ cũng bị bắt. Một người bị đánh chết ngay tại chỗ. Người còn lại chết trên đường đi cấp cứu. Chiếc xe của họ bị đốt cháy thành than.

Trước đó, vào ngày 7 tháng 6, ở thành phố Vinh, cũng có một người ăn trộm chó bị đánh chết và bị đốt cháy cùng với chiếc xe gắn máy của ông.

Trước đó nữa, vào ngày 28 tháng 12 năm 2009, ở huyện Thanh Xuân, Hà Tĩnh (quê của Nguyễn Du), cũng có hai tên ăn trộm chó bị bắt. Và cũng bị đánh chết. Một người bị đánh chết ngay tại chỗ và người kia cũng chết trên đường đi cấp cứu.

Trước đó nữa nữa…

Trên Talawas ngày 1 tháng 9, trong phần “Phụ lục” ở cuối bài “Đôi điều suy nghĩ về sự vô cảm” của Nguyễn Lê Huyên, có bảng tóm tắt một số vụ giết người liên quan đến chó tại Việt Nam do Talawas tổng hợp như sau:

  • Ngày 9/9/2008, dân quân thôn Lê Pháp, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội, đánh chết hai người vô tội vì nghi trộm chó.
  • Ngày 07/12/2008, một người mắc bệnh tâm thần bị dân làng Phú Châu, xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đánh chết vì bị nghi trộm chó.
  • Ngày 2/5/2009, một thanh niên bị dân làng Tiên Lữ, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội, đánh chết và một thanh niên khác bị đánh trọng thương vì bị nghi trộm chó.
  • Ngày 26/5/2009, hai thanh niên câu trộm chó tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội, bị 5 thanh niên làng này đánh trọng thương, một người sau đó đã tử vong.
  • Ngày 22/7/2009, người dân xã Tượng Lĩnh, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, đánh chết một thanh niên và đánh trọng thương một thanh niên khác trong nhóm trộm chó.
  • Ngày 22/8/2009, 4 người dân huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã đánh chết hai thanh niên câu trộm chó.
  • Ngày 04/5/2010, một người câu trộm chó bị dân xã Quảng Hòa, Quảng Xương, Thanh Hóa đánh chết.
  • Ngày 07/6/2010, một người câu trộm chó tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh, Nghệ An, bị thiêu chết.
  • Ngày 18/8/2010, một thanh niên tử nạn và một người khác bị thương tại xã Đak Jrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai, vì câu trộm chó bị dân làng truy đuổi.
  • Ngày 27/8/2010, một người câu trộm chó bị chết khi xung đột với những người vây bắt tại Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Bản liệt kê trên chắc là không đầy đủ. Hơn nữa, nó chỉ tập trung vào các vụ án có người bị giết chết. Ngoài một số người bị đánh chết như vậy, một số khác, “may mắn” hơn, chỉ bị “chặt tay” và “cắt tai”.

Đọc những bản tin chặt tay, cắt tai, đánh chết và đốt xác những người ăn trộm chó như vậy, tôi nghĩ, một người bình thường không thể không thấy day dứt. Đã đành ăn trộm, bất cứ là ăn trộm thứ gì, cũng là một việc xấu và cần bị trừng phạt. Nhưng người ta có nên, và có quyền, sử dụng những hình phạt tàn bạo đến như vậy hay không? Trước đây, đã có ai nghe nói có cảnh ăn trộm chó bị giết chết dã man như vậy bao giờ chưa? Riêng tôi, tôi chưa hề biết. Người ta lý luận: dân chúng mạnh tay như vậy là vì họ quá bức xúc trước sự hoành hành của cẩu tặc. Nhưng như vậy lại làm nảy sinh hai câu hỏi:

Thứ nhất, công an ở đâu? Tại sao công an lại không thể ngăn chận được tệ nạn ăn trộm chó? Ai chịu trách nhiệm về những sự bất lực ấy?

Thứ hai, tại sao dân chúng ở nhiều nơi lại dám và có thể ngang nhiên giết chết những người ăn trộm chó, có khi chỉ bị nghi ngờ là ăn trộm chó thôi, như vậy? Vậy pháp luật ở đâu? Chẳng lẽ ở Việt Nam hiện nay, chỉ cần nhân danh “bức xúc”, người ta có thể chà đạp lên luật pháp?

Và cuối cùng là câu hỏi: Giữa chó và người, đằng nào đáng giá hơn?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG