Người ta gọi đây là bước tiến gần nhất mà thế giới đạt được với vắc-xin chống lại virus AIDS.
Mũi tiêm hai lần một năm có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV trong một nghiên cứu trên phụ nữ và kết quả được công bố vào ngày 4/12 cho thấy nó có hiệu quả gần như tương đương ở nam giới.
Hãng sản xuất thuốc Gilead cho biết họ sẽ cho phép bán các phiên bản chung giá rẻ ở 120 quốc gia nghèo có tỷ lệ nhiễm HIV cao — chủ yếu là ở Châu Phi, Đông Nam Á và Caribê. Nhưng họ đã loại trừ gần như toàn bộ Châu Mỹ Latin, nơi tỷ lệ thấp hơn nhiều nhưng đang gia tăng, làm dấy lên lo ngại rằng thế giới đang bỏ lỡ một cơ hội quan trọng để ngăn chặn căn bệnh này.
Bà Winnie Byanyima, giám đốc điều hành của UNAIDS nói: “Phương pháp này vượt trội hơn nhiều so với bất kỳ phương pháp phòng ngừa nào khác mà chúng ta có, đến mức chưa từng có”. Bà ghi nhận công lao của Gilead trong việc phát triển loại thuốc này, nhưng cho biết khả năng ngăn chặn AIDS của thế giới phụ thuộc vào việc sử dụng loại thuốc này ở các quốc gia có nguy cơ.
Trong một phúc trình được công bố để kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS vào Chủ Nhật 1/12, UNAIDS cho biết số ca tử vong do AIDS năm ngoái — ước tính là 630.000 ca — là mức thấp nhất kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2004, cho thấy thế giới hiện đang ở “ngã ba lịch sử” và có cơ hội chấm dứt AIDS.
Loại thuốc có tên là lenacapavir đã được bán tại Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu và các nơi khác dưới tên thương hiệu Sunlenca để điều trị nhiễm HIV. Công ty có kế hoạch sớm xin phép sử dụng loại thuốc này để phòng ngừa HIV.
Mặc dù có những cách khác để phòng ngừa nhiễm HIV như bao cao su, thuốc viên uống hàng ngày, vòng âm đạo và tiêm hai tháng một lần, nhưng các chuyên gia cho biết loại thuốc tiêm hai lần một năm của Gilead sẽ đặc biệt hữu ích đối với những người thiệt thòi thường sợ tìm tới y tế như nam giới đồng tính, gái mại dâm và phụ nữ trẻ.
“Đây sẽ là một phép màu đối với những nhóm này vì điều đó có nghĩa là họ chỉ cần đến phòng khám hai lần một năm và sau đó họ sẽ được bảo vệ”, bà Byanyima của UNAIDS cho biết.
Trường hợp của ông Luis Ruvalcaba, một người đàn ông 32 tuổi ở Guadalajara, Mexico, người đã tham gia vào nghiên cứu mới nhất được công bố là như vậy. Ông nói ông sợ phải xin thuốc phòng ngừa hàng ngày do chính phủ cung cấp vì sợ bị phân biệt đối xử vì là người đồng tính. Do đã tham gia vào cuộc nghiên cứu, ông sẽ tiếp tục được tiêm trong ít nhất một năm nữa.
“Ở các nước Mỹ Latin, vẫn còn rất nhiều sự kỳ thị, bệnh nhân xấu hổ khi xin thuốc”, Tiến sĩ Alma Minerva Pérez, người đã tuyển dụng và ghi danh một chục tình nguyện viên tham gia cuộc nghiên cứu tại một trung tâm nghiên cứu tư nhân ở Guadalajara, cho biết.
Hiện vẫn chưa biết mức độ phổ biến của các loại vắc-xin này tại Mexico thông qua hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia này. Các quan chức y tế từ chối bình luận về bất kỳ kế hoạch nào mua chúng cho công dân của mình; thuốc viên hàng ngày để phòng ngừa HIV đã được cung cấp miễn phí thông qua hệ thống y tế công cộng của quốc gia này vào năm 2021.
Bà Byanyima cho biết các quốc gia khác ngoài Mexico tham gia nghiên cứu cũng bị loại khỏi thỏa thuận về thuốc generic (bản sao của thuốc biệt dược với thành phần hoạt chất tương tự), bao gồm Brazil, Peru và Argentina. “Bây giờ từ chối cung cấp loại thuốc đó cho họ là điều vô lương tâm”.
Trong một tuyên bố, Gilead nói họ có “cam kết liên tục giúp tạo điều kiện tiếp cận các lựa chọn điều trị và phòng ngừa HIV ở những nơi có nhu cầu lớn nhất”. Trong số 120 quốc gia đủ điều kiện sử dụng phiên bản thuốc generic có 18 quốc gia chủ yếu là châu Phi, chiếm 70% gánh nặng HIV trên thế giới.
Nhà sản xuất thuốc này cho biết họ cũng đang nỗ lực thiết lập “các con đường nhanh chóng, hiệu quả để tiếp cận tất cả những người cần hoặc muốn sử dụng lenacapavir để phòng ngừa HIV”.
Vào ngày 28/11, 15 nhóm vận động ở Peru, Argentina, Ecuador, Chile, Guatemala và Colombia đã viết thư cho Gilead, yêu cầu cung cấp phiên bản thuốc generic ở Mỹ Latin, viện dẫn tình trạng bất bình đẳng “đáng báo động” trong việc tiếp cận các công cụ phòng ngừa HIV mới trong khi tỷ lệ lây nhiễm đang gia tăng.
Trong khi các quốc gia bao gồm Na Uy, Pháp, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã trả hơn 40.000 đô la mỗi năm cho Sunlenca, các chuyên gia đã tính toán rằng nó có thể được sản xuất với giá chỉ 40 đô la cho mỗi lần điều trị một khi việc sản xuất thuốc generic mở rộng để bao phủ 10 triệu người.
Bác sĩ Chris Beyrer, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu tại Đại học Duke, cho biết sẽ rất hữu ích khi có các mũi tiêm Gilead ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Châu Phi và Châu Á. Nhưng ông cho biết tỷ lệ HIV gia tăng trong các nhóm bao gồm cả nam giới đồng tính và người chuyển giới cấu thành “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” ở Mỹ Latin.
Bà Hannya Danielle Torres, một phụ nữ chuyển giới và nghệ sĩ 30 tuổi cũng tham gia nghiên cứu ở Mexico, cho biết bà hy vọng chính phủ sẽ tìm ra cách cung cấp các mũi tiêm. “Mexico có thể có một số người giàu nhất thế giới nhưng cũng có một số người dễ bị tổn thương nhất sống trong cảnh nghèo đói cùng cực và bạo lực”, bà Torres nói.
Một hãng dược phẩm khác, Viiv Healthcare, cũng bỏ qua hầu hết các nước Mỹ Latin khi cho phép phiên bản generic của vắc-xin ngừa HIV của hãng được bán tại khoảng 90 quốc gia. Được bán dưới tên Apretude, các mũi tiêm hai tháng một lần có hiệu quả khoảng 80% đến 90% trong việc ngăn ngừa HIV. Chúng có giá khoảng 1.500 đô la một năm ở các quốc gia có thu nhập trung bình, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết mọi người.
Bà Asia Russell, giám đốc điều hành của nhóm vận động Health Gap, cho biết với hơn 1 triệu ca nhiễm HIV mới trên toàn cầu mỗi năm, các phương pháp phòng ngừa đã được thiết lập là không đủ. Bà kêu gọi các quốc gia như Brazil và Mexico cấp “giấy phép bắt buộc”, một cơ chế mà các quốc gia đình chỉ bằng sáng chế trong một cuộc khủng hoảng sức khỏe.
Đây là một chiến lược mà một số quốc gia đã áp dụng cho các phương pháp điều trị HIV trước đây, bao gồm giai đoạn cuối những năm 1990 và 2000 khi các loại thuốc điều trị AIDS lần đầu tiên được phát hiện. Gần đây hơn, Colombia đã cấp giấy phép bắt buộc đầu tiên cho phương pháp điều trị HIV quan trọng Tivicay vào tháng 4 mà không có sự cho phép của nhà sản xuất thuốc Viiv.
Tiến sĩ Salim Abdool Karim, một chuyên gia về AIDS tại Đại học KwaZulu-Natal của Nam Phi, cho biết ông chưa bao giờ thấy một loại thuốc nào có vẻ hiệu quả như mũi tiêm Gilead trong việc ngăn ngừa HIV.
“Phần còn thiếu trong câu đố hiện nay là làm thế nào để chúng ta đưa nó đến với tất cả những người cần nó”, ông nói.