Khoảng 6 triệu người ở Nam Phi đang sống chung với HIV/AIDS. Nhiều người trong số này phải chịu đựng các cơn đau kinh niên từ vừa phải đến nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu mới, bất chấp các cơn đau như thế, những bệnh nhân này hoạt động tích cực một cách đáng kinh ngạc vì những lý do không hề liên quan tới sức khỏe.
Nhức đầu, đau ngực, đau dây thần kinh là một số các chứng đau mà bệnh nhân HIV/AIDS hay than phiền nhất.
Bác sĩ Antonia Wadley đang nghiên cứu hiệu ứng của việc này. Bà đang cộng tác với Nhóm Nghiên cứu Chức năng Não tại Đại học Wits ở Johannesburg.
Bà cho biết:
“Đây là lĩnh vực nghiên cứu của nhóm chúng tôi vài năm rồi. Chúng tôi lưu ý rằng thật ra nhóm bệnh nhân bị HIV bị gánh nặng về đau nhức nhiều hơn. Chưa rõ họ bị ảnh hưởng bởi các cơn đau này thế nào, nghĩa là họ đau tới mức độ nào trong các sinh hoạt hằng ngày.”
Và những sự đau đớn ấy cũng tương tự mức độ như nhau cho dù họ có uống thuốc ARV hay không.
Bác sĩ Wadley nói tiếp:
“Điều trị HIV không điều trị các cơn đau nhức. Người ta đồn rằng một khi bệnh nhân uống thuốc ARV họ sẽ khỏe lắm không đau nhức gì, nhưng thật ra cho dù bệnh nhân có đang được điều trị với ARV hay không, họ vẫn bị những chứng đau nhức hoành hành.”
Bác sĩ Wadley cho hay các chứng đau nhức được xem là kinh niên khi xuất hiện hầu như mỗi ngày trong ít nhất 3 tháng trời. Tuy nhiên, đau nhức không làm cho các bệnh nhân HIV ở Nam Phi trở nên ù lì kém hoạt động. Thay vào đó, bác sĩ Wadley nói, họ hoạt động tích cực một cách đáng kinh ngạc.
Bà nói:
“Thử tưởng tượng xem nếu bạn bị đau lưng hay đau chân, bạn giảm hoạt động rất nhiều. Nhưng khi chúng tôi đo lường, chúng tôi phát hiện rằng mức hoạt động hoàn toàn tương tự như nhau giữa những bệnh nhân bị các chứng đau kinh niên và những người không bị. Nhìn vào các hoạt động của họ bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi vẫn không thấy có sự khác biệt nào, chúng tôi thật sự rất ngạc nhiên.”
Thoạt tiên, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng nguyên nhân là do sự kiên cường chống chọi với nghịch cảnh, nhưng không chỉ có thế.
Bác sĩ Wadley tiếp lời:
“Chúng tôi nhìn vào những vấn đề mà bệnh nhân lo lắng và nhận thấy rằng các bệnh nhân bị những cơn đau kinh niên lo lắng về mọi thứ hơn là những bệnh nhân không bị đau nhức gì. Họ lo về tài chính nhiều hơn, họ lo làm sao có đủ cơm ăn hàng ngày. Cho nên, giả thuyết mà chúng tôi đặt ra là có thể những áp lực về kinh tế khiến các bệnh nhân này hoạt động tích cực hơn chăng.”
Bác sĩ Wadley cho biết còn một lý do thứ hai cho thấy vì sao các bệnh nhân HIV/AIDS hoạt động năng nổ bất chấp các cơn đau.
Bà nói:
“Tình cờ tôi hỏi thăm một số bệnh nhân về những điều gì khác khiến họ lo lắng và họ thổ lộ các cơn đau nhức với ai. Phần lớn họ không cho bạn bè thân nhất hoặc người nhà biết về các chứng đau nhức kinh niên họ đang gánh chịu vì e rằng sẽ lộ ra tình trạng bị nhiễm HIV của họ. Cho nên, có thể là những thành kiến về HIV cũng khiến cho người bệnh hoạt động năng nổ hơn để được trông thấy khỏe mạnh.”
Quan điểm cho rằng thành kiến về HIV có thể ảnh hưởng đến cách người bệnh phản ứng với các cơn đau quả là một quan điểm mới. Bác sĩ Wadley nói phải cần thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa.
Bà tiếp lời:
“Cách đây 3 thập niên, ai đó bị chẩn đoán nhiễm HIV thì y như nhận án tử. Giờ đây với liệu pháp ARV thích hợp, bệnh nhân HIV có thể sống gần như với tuổi thọ thông thường. Cho nên, chất lượng quãng đời còn lại phải thật sự tốt, đó là điều hết sức quan trọng.”
Vẫn theo lời bà, dường như với những bệnh nhân nghèo thì các cơn đau bị hạ thấp tầm ưu tiên hơn vì họ lo lắng chuyện chạy ăn hằng ngày nhiều hơn là các cơn đau. Kết quả cuộc nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Peer.