Theo các nhà nghiên cứu, việc công chúng mất lòng tin vào vắc-xin đang gây ra các đợt dịch như dịch sởi chẳng hạn.
Các nhà khoa học của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London thuộc Imperial College London và Trường Y tế công Saw Swee Hock ở Singapore đã khảo sát với 66.000 người ở 67 quốc gia để tìm hiểu xem họ có coi vắc-xin là quan trọng, an toàn, hiệu quả và phù hợp với đức tin tôn giáo của họ hay không.
Người dân ở khu vực Đông Nam Á thể hiện mức độ tin tưởng cao nhất đối với vắc-xin, và châu Phi đứng thứ hai.
Châu Âu thể hiện mức độ tin tưởng thấp nhất, đi đầu là Pháp, nơi có đến 41% nghi ngờ về sự an toàn của vắc-xin.
Bác sĩ Heidi Larson thuộc trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho biết những bài báo được nhiều người đọc ở Pháp viết về nỗi sợ hãi vắc-xin đã làm sứt mẻ niềm tin.
Bác sĩ Larson sợ rằng sự mất lòng tin đó sẽ dẫn đến những hậu quả.
Bác sĩ này nói: "Chúng ta sẽ thấy có một số chủng cúm nguy hiểm chết người. Và nếu chúng ta tuân thủ kém đối với một vắc-xin chống đại dịch trong tương lai, tôi sẽ rất lo lắng về điều đó".
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng sự suy giảm lòng tin có thể dẫn đến việc người ta từ chối tiêm hoặc uống vắc-xin, do đó có thể gây bùng phát dịch bệnh. Nhưng cuộc nghiên cứu cho thấy có mức ủng hộ cao trên toàn cầu đối với việc tiêm chủng cho trẻ em để chống bệnh tật.