Cuộc cách mạng gần đây ở Ai Cập và Tunisia khiến tôi nhớ lại một bài nghiên cứu cũ của John Ginkel và Alastair Smith có tựa “So you say you want a revolution” (tạm dịch “Và bạn nói bạn muốn làm cách mạng”) trên tạp chí Journal of Conflict Resolution (“Khoa học Giải quyết Xung đột”). John Ginkel là giáo sư của trường ĐH Washington ở St. Louis còn Alastair Smith thuộc trường Yale. Cả hai đều nghiên cứu về chính trị học. Cũng giống như phần nhiều các học giả chính trị học hiện đại, các ông nghiêng về việc sử dụng các công cụ toán định lượng trong phân tích chính trị thay vì dựa thuần túy vào các lập luận ngôn ngữ.
Trong bài nghiên cứu này, Ginkel và Smith phân tích mối quan hệ tương tác chiến lược (game theoretic interactions) giữa ba nhóm đối tượng – (1) bộ máy chính quyền, (2) công chúng, và (3) những người hoạt động đối lập.
Ẩn số chính trong cuộc cờ của ba nhóm này là câu chuyện về cuộc cách mạng: nếu một cuộc cách mạng nổ ra thì kết cục có phải là sự xụp đổ của chính quyền hay không. Nếu chính quyền đủ mạnh, họ có thể dập tắt được cuộc cách mạng. Nếu chính quyền không đủ mạnh, thì cách mạng sẽ thành công – theo nghĩa là chính quyền sẽ bị lật đổ.
Ginkel và Smith cho rằng không ai trong số ba nhóm này biết chắc chắn kết cục của một cuộc cách mạng sẽ như thế nào. Điều này một phần vì hiểu biết sức mạnh của bộ máy chính quyền đã khó, hiểu biết sức mạnh của công chúng lại càng khó do yếu tố mà Kunan – một học giả bậc thầy về chính trị học liên quan tới cách mạng – gọi bằng cái tên “trong nhà thật thà, ra ngõ giả dối” (“private truth, public lie”). Tức là trong một chế độ hà khắc, công chúng thường phải nói dối ở nới công cộng về nhận định của họ đối với chính quyền. Thí dụ, ở nhà hoặc trong những nhóm bạn bè thân thiết họ có thể bộc bạch sự tức giận của họ với chính quyền nhưng ra ngoài họ buộc phải nói ngược lại.
Mặc dù cùng không biết kết cục tất yếu của cách mạng sẽ như thế nào, chính quyền là bên đoán tốt nhất kết cục này. Tiếp theo đó là nhóm những người hoạt động đối lập - vì công việc chính của họ là nghiên cứu về chế độ để tìm ra các điểm yếu của đối thủ. Nhóm cuối cùng, ít thông tin nhất, là công chúng.
Trong mô hình của Ginkel và Smith, công chúng sẽ không thể làm cách mạng nếu không có những người cầm lái – đó là nhóm những người đối lập.
Trước áp lực của xã hội, chính quyền có thể nhượng bộ công chúng bằng những chính sách nhất định, hoặc chọn không nhượng bộ gì cả. Đứng trước quyết định của chính quyền, những người đối lập có thể chọn đứng ra kêu gọi cách mạng, hoặc tiếp tục ẩn náu. Trong trường hợp nhóm thứ (2) này kêu gọi cách mạng, công chúng có thể chọn nghe theo lời kêu gọi này và làm cách mạng, hoặc phớt lờ các nhà đối lập. Trong trường hợp một cuộc cách mạng nổ ra, chính quyền sẽ nỗ lực dập tắt. Khi đó, tương quan sức mạnh của công chúng và chính quyền sẽ quyết định cuộc cách mạng có thành công hay là không.
Đây là một mô hình toán tương đối đơn giản, và hai tác giả Ginkel và Smith phải dựa vào nhiều giả định đơn giản hóa. Tuy nhiên, khi giải mô hình này họ cũng thu được một số kết quả thú vị và có ẩn ý đối với thực tiễn xã hội. Sau đây chỉ là ba điểm chính đáng chú ý.
Thế tiến thoái lưỡng nan của chuyện nhượng bộ
Kết luận đầu tiên có ẩn ý đối với chính quyền: nhượng bộ là con dao hai lưỡi. Nhượng bộ sẽ làm giảm xác suất xảy ra một cuộc cách mạng, nhưng nó lại cho hai nhóm còn lại thấy sự yếu đuối của chính quyền. Do đó, nhượng bộ một lần sẽ dẫn tới các yêu sách tiếp theo, và vì thế cần có các nhượng bộ tiếp theo.
Nếu không có các nhượng bộ tiếp theo thì cách mạng nhiều khả năng sẽ nổ ra, và vì chính quyền yếu, cách mạng sẽ có nhiều khả năng sẽ thành công. Câu chuyện vừa rồi của Mubarak là bằng chứng sống động của nghịch lý này. Lãnh đạo một số nước khác trong khu vực cũng đang đi theo vết xe đổ của chính quyền Mubarak.
Đàn áp hay không đàn áp
Ginkel và Smith cũng chỉ ra thêm một nghịch lý của đàn áp đối lập. Nếu chính quyền không đàn áp đối lập, hoặc không mạnh tay với nhóm này, thì những người đối lập dễ kêu gọi công chúng làm cách mạng hơn. Tuy nhiên, nếu chính quyền thể hiện rằng họ sẽ mạnh tay với đối lập mà các nhà đối lập vẫn dám đứng ra kêu gọi cách mạng, thì chính hành vi bất chấp của nhóm đối lập lại gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ cho công chúng rằng chính quyền không thực sự mạnh.
Lý do là theo cách phân tích của Ginkel và Smith, công chúng biết rằng nhóm đối lập có nhiều thông tin về chính quyền hơn bản thân họ. Vì thế công chúng sẽ nhìn vào hành vi của nhóm đối lập như một chỉ dấu về sức mạnh của chính quyền. Khi nhóm đối lập kêu gọi cách mạng mặc cho đe dọa đàn áp đối lập của chính quyền, thì đối với công chúng điều đó cũng đồng nghĩa các nhà đối lập đã ước đoán được khả năng bị đàn áp (do cách mạng thất bại) là không lớn. Và vì thế, nó cũng có nghĩa nhóm đối lập này tin rằng khả năng thành công của cách mạng là cao. Do đó, thông tin này do nhóm đối lập đưa ra có tác dụng dẫn dắt hành vi của công chúng cao hơn nhiều so với trường hợp chính quyền không mạnh tay đàn áp đối lập.
Tại sao các cuộc cách mạng và sụp đổ luôn bất ngờ
Câu chuyện thứ hai là tính bất ngờ của các cuộc cách mạng. Vì bản chất hà khắc của chế độ, sức mạnh tương đối của chính quyền đối với công chúng là một ẩn số không có cách gì giải mã được. Vì không giải mã được, các bên thường “chờ thời” – những người đối lập không lộ diện và các chính quyền cũng không có bất kỳ nhượng bộ nào. Và sự tồn tại của status quo cứ kéo dài như thế.
Khi có những yếu tố bất ngờ mang tính ngẫu nhiên xuất hiện, thí dụ như bệnh dịch, mất mùa, khủng hoảng kinh tế, hay thiên tai…, ba bên kể trên buộc phải ngồi chơi bàn cờ cách mạng. Khi bàn cờ này được bày, nhất là khi có những thông tin cho thấy sự yếu kém của chế độ, và những người đối lập cũng như công chúng nhận biết được khả năng thành công cao của cách mạng, thì mọi chuyện sẽ diễn ra rất nhanh, đẩy chính quyền vào chỗ bất ngờ sụp đổ. Trong những trường hợp đó, nhượng bộ của chính quyền chỉ khiến họ càng trở nên yếu ớt trước công chúng, và vì thế chỉ làm đẩy nhanh quá trình sụp đổ tất yếu. Ngay cả khi họ đàn áp, thì vì sức mạnh của chính quyền không nhiều, đàn áp cũng không giúp họ bám giữ được quyền lực.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.