Kể từ khi cựu ngoại trưởng và giám đốc tình báo Moussa Koussa bỏ trốn sang Anh tháng trước, chưa thấy có thêm một nhân vật Libya quan trọng nào đi theo con đường của ông này.
Nhưng ông Gene Cretz, cựu đại sứ Mỹ tại Libya nói các giới chức của Mỹ thỉnh thoảng vẫn tiếp xúc với các giới chức của Tripoli. Ông nói tiếp:
“Ít nhất có vài giới chức Libya muốn nối gót ông Koussa nhưng chưa dám làm vì sợ sệt. Có người đang đứng đầu cơ quan, có người là chuyên gia. Họ muốn ra đi nhưng lo sợ cho sinh mạng của họ và gia đình. Do đó, ta không thể nói tình hình hiện nay không có tiến bộ.”
Ông Cretz khẳng định Gadhafi vẫn còn một số người trung thành, chí cốt, trong đó có bà con, đơn vị trưởng quân đội, an ninh; vì những người này không còn lựa chọn nào khác.
Ông cho biết thái độ của Hoa Kỳ và các cuộc không tập của NATO trong những ngày qua một phần là nhằm khuyến khích các phần tử chí cốt này từ bỏ thái độ ngập ngừng:
“Chúng tôi muốn gửi đến họ một loại tín hiệu cho thấy thời gian sắp cạn để họ phải có quyết định. Quyết định đó là hoặc chết theo chiếc tàu sắp chìm, hoặc là đổi bên để có một tương lai cho họ và gia đình.”
Đại sứ Cretz phải rời Libya cuối năm ngoái, sau khi nội dung các công điện ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ miêu tả ông Gadhafi bằng những lời lẽ không hay ho cho lắm. Sứ quán Mỹ tại Tripoli đã đóng cửa hồi tháng 2, khi cuộc nổi dậy bắt đầu.
Ông cho biết số người chết sau 2 tháng giao tranh tại Libya có thể lên đến 30.000 nhưng phải chờ tan cuộc mới biết con số chính xác.
Một nhà ngoại giao cao cấp Mỹ tin rằng các nhân vật chính trong chính phủ Libya đang muốn tách khỏi ông Moammar Gadhafi, và họ chỉ ở lại Tripoli vì “sợ hãi.” Nhà ngoại giao này cũng tin rằng khắp Libya, kể cả trong khu vực do chính quyền kiểm soát, đều đồng thuận là ông Gadhafi cần ra đi.