Hơn 8 năm sau cuộc tiến chiếm Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo, các lực lượng cuối cùng của Mỹ sắp rời khỏi nước này. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố việc triệt thoái được thực hiện theo đúng các cam kết của Tổng thống Barack Obama và người tiền nhiệm của ông đã ra lệnh cuộc tiến chiếm là ông George W. Bush.
Ngoại trưởng Clinton nói: “Tổng thống Obama nói các binh sĩ tác chiến sẽ rời khỏi Iraq trước cuối năm nay. Nhưng ngay cả trước khi ông đưa ra tuyên bố đó thì chính quyền Bush cũng đã cam kết sẽ rút tất cả binh sĩ về trước cuối năm nay. Vậy là ta có một cam kết của cả hai đảng, và đó là điều được coi là xứng hợp.”
Bà Clinton phát biểu trong chương trình Tin tức Chủ nhật của đài truyền hình Fox. Bà nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không có ý định bỏ rơi Iraq:
“Điều chúng ta đã thỏa thuận là một sứ mạng hỗ trợ-và-huấn luyện tương tự như những gì chúng ta đã làm ở các nước từ Jordani cho tới Colombia. Và chúng ta sẽ hợp tác với người Iraq. Chúng ta cũng sẽ có một sự hiện diện rất vững mạnh về ngoại giao.”
Nhưng làm như thế là không đủ, theo ý những người thuộc đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Obama. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của bang South Carolina cũng xuất hiện trong chương trình Tin tức Chủ nhật của đài Fox.
Ông nói: “Không kết thúc được thỏa thuận ở Iraq, nghĩa là thương lượng việc gia hạn sứ mạng của quân đội Hoa Kỳ, là một sai lầm nghiêm trọng. Ăn mừng việc không để lại binh sĩ nào là một lỗi lầm nghiêm trọng.”
Ông Graham cáo buộc tổng thống là đặt những suy xét về chính trị lên trên các mục tiêu an ninh dài hạn của nước Mỹ. Ông chống lại mọi gợi ý cho rằng Iraq đã sẵn sàng tự lực cánh sinh, nhất là đối với nước láng giềng Iran. Ông lập luận:
“Người Iraq không có không lực. Họ không có khả năng thu thập tin tức tình báo. Họ cần sự hỗ trợ chống khủng bố. Có những sứ mạng mà chỉ có chúng ta mới làm được. Chỉ huy quân đội Hoa Kỳ đã nói rằng chúng ta cần từ 15.000 đến 18.000 binh sĩ ở Iraq. Sau năm nay, chúng ta không còn binh sĩ nào cả. Công tác của chính quyền Obama là chấm dứt sứ mạng một cách tốt đẹp. Họ đã không làm được điều đó.”
Ngoại trưởng Clinton nói Hoa Kỳ sẽ duy trì một sự hiện diện vững vàng ở Trung Đông ngay cả sau khi những binh sĩ cuối cùng rời khỏi Iraq. Bà nói không có quốc gia nào, kể cả Iran, nên nghi ngờ về quyết tâm của nước Mỹ là ủng hộ nền dân chủ của Iraq.
Cuối cùng, bà nói chính Iraq đã quyết định nhấn mạnh đến một cuộc triệt thoái toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: “Lý do khiến chúng ta can dự vào Iraq là để tạo dựng cơ hội cho người Iraq có được tương lai của chính họ mà không phải chịu sự đàn áp của một nhà độc tài như Saddam Hussein. Nay ta không thể một mặt nói rằng chúng ta hoàn toàn ủng hộ dân chủ, chủ quyền và độc lập, mặt khác thì lại nói rằng khi thực hiện sự lựa chọn mà chính phủ hiện thời ở Iraq đã cho là có giá trị thì làm như thế là không thích hợp. Đó là lý do chúng ta có mặt ở đó – để đem lại cho nhân dân Iraq một cơ may thực hiện các quyết định của chính họ.”
Tuần trước, Tổng thống Obama nói ông sẽ giữ lời hứa chấm dứt cuộc chiến tranh ở Iraq, nhưng nói thêm rằng “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục quan tâm đến một nước Iraq ổn định, an toàn và tự tin.”
Chính quyền Obama bênh vực việc rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Iraq theo như loan báo trước cuối năm nay, giữa những lời chỉ trích gay gắt của các đối thủ chính trị của tổng thống ở trong nước.