Thủ tướng Maliki của Iraq nói việc rút quân diễn ra theo đúng lịch và cả hai bên có nghĩa vụ phải thi hành. Tuy nhiên, hôm thứ Bảy ông nói cơ may kéo dài thêm thời hạn đã đổ sụp về vấn đề đặc miễn tài phán.
Thủ tướng Maliki nói các phe phái chính trị trong nước ông bác bỏ chuyện để cho lực lượng vũ trang của Mỹ đứng ngoài các luật của Iraq.
Hoa Kỳ nhất quyết đòi các quân nhân của mình phải được hưởng quyền đặc miễn, giống như các nước khác mà quân đội Mỹ có mặt.
Dù có sự thoái bộ này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton khẳng định chuyện đó không ảnh hưởng đến cam kết của Hoa Kỳ dành cho Iraq.
Lời khẳng định được đưa ra hôm thứ Bảy khi bà đang có mặt ở Tajikistan. Thay vào đó, bà nói, Hoa Kỳ và Iraq tiến sang một giai đoạn quan hệ mới và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục một sự hiện diện “mạnh mẽ” trong khu vực.
Trên đường phố Baghdad, phản ứng trước tin rút quân nói chung là tích cực, giống như phát biểu của anh Bilad:
“Hoa Kỳ có quyết định đúng đắn khi rút quân. Người Mỹ để lại tàn phá và bất ổn, nhưng người Iraq chúng tôi sẽ tái thiết đất nước.”
Dù nhiều người Iraq hoan nghênh chuyện Mỹ tiến quân vào Iraq để lật đổ Saddam Hussein năm 2003, nhưng sự hồ hởi này tan biến dần sau khi có những bạo động vì phe phái, và gần như có nội chiến.
Một người dân khác tại Baghdad, anh Al Agili Act cho biết:
“Tôi cho rằng sự hiện diện của người Mỹ vẫn còn cần bởi vì quân đội Iraq vẫn còn yếu và chia rẽ vì phe phái.”
Sự chia rẽ này được thể hiện bằng nhiều vụ đánh bom trên khắp nước, để lại hàng chục người chết mỗi tháng.
Nhiều giới chức của Mỹ e ngại tình hình bất ổn này có thể thuận lợi để Iran gây thêm ảnh hưởng tại Iraq một khi người Mỹ rút đi. Chính vì lý do đó mà trước đây đã có tin đồn là Hoa Kỳ sẽ để lại mấy ngàn binh sĩ sau năm 2011.
Một số người Iraq cho biết họ lo lắng vì tình hình tại đây vẫn còn bất an, một số người khác lại cho rằng sau gần 9 năm, đã quá hạn để người Mỹ ra đi.